Trước bối cảnh luật an ninh quốc gia do chính quyền Trung Quốc áp đặt Hồng Kông bắt đầu có hiệu lực, ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp cân nhắc việc rời khỏi Hồng Kông.
Ngày 30/6, điều luật được chính quyền Bắc Kinh chính thức thông qua, nó cho phép kết án bất kỳ cá nhân nào có hành vi đảo chính, ly khai, khủng bố và thông đồng với thế lực nước ngoài chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Mức phạt tối đa lên đến tù chung thân.
Từ ngày 6/7 đến 9/7, 183 nhân viên Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông, tương đương 15% tổng số nhân viên, đã được thực hiện khảo sát. Trong đó có 98 đối tượng thực hiện khảo sát là đại diện của các công ty, doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hoa Kỳ; 65 đối tượng là từ công ty, doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hồng Kông và 13 đối tượng còn lại là từ công ty, doanh nghiệp có trụ sở chính tại Châu Âu.
Khoảng 30% công ty và doanh nghiệp cho biết, họ đã cân nhắc việc dời các cơ sở hoặc hoạt động kinh doanh ra khỏi Hồng Kông trong khoảng thời gian trung cho đến dài hạn. Khoảng 5% cho biết, họ đang cân nhắc thực hiện điều này trong một thời gian ngắn. Số doanh nghiệp có dự tính rời đi khỏi Hồng Kông đã tăng lên 6% so với cuộc khảo sát ngày 3/6.
Trong cuộc khảo sát hiện tại, một đại diện không tiết lộ danh tính đã bày tỏ “mối quan ngại về sự toàn vẹn thông tin và dữ liệu, cũng như về tính bảo mật cá nhân”.
Một đại diện ẩn tên khác quan ngại về rủi ro chính trị “leo thang cao độ”, cho rằng đây là cơ sở dẫn đến việc cân nhắc cắt giảm hoạt động kinh doanh tại đặc khu.
Khi được hỏi liệu bản thân có cân nhắc rời khỏi Hồng Kông vì luật an ninh quốc gia hay không, 48% cho biết họ sẽ rời đi trong thời gian trung hạn đến lâu dài, gần 4% cho biết họ sẽ rời đi trong thời gian ngắn. Trong cuộc khảo sát tháng 6, khoảng 38% cho biết họ đang cân nhắc rời khỏi hẳn đặc khu.
Cuộc khảo sát tháng 6 được thực hiện chỉ vài ngày sau khi cơ quan lập pháp Trung Quốc, và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc cho biết, họ sẽ thông qua điều luật này vào buổi bỏ phiếu ngày 28/5.
Hơn một nửa số người khảo sát (56%) cho biết, họ cảm thấy điều luật nghiêm ngặt hơn so với những gì mình nghĩ. 40% thì cho rằng điều luật gần giống như những gì họ lường trước.
Một đại diện giấu tên cho biết, “hầu hết mọi điều khoản đều khá chung chung, và quyền lực thực thi đều nghiêng về ĐCSTQ”.
Khoảng 78% số người được hỏi cho biết, họ có đôi phần quan ngại hoặc cực kỳ quan ngại về điều luật. Khi được yêu cầu nêu ra những lo ngại đó, 65% cho biết họ lo ngại về tính không rõ ràng phạm vi và sự thực thi pháp luật, gần 61% cho biết họ lo lắng điều luật sẽ gây ảnh hưởng đến sự độc lập, riêng biệt của hệ thống tư pháp Hồng Kông, và 51% cho biết điều luật “gây nguy hiểm cho vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông”.
Một đại diện giấu tên khác lo ngại, “không có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm”, trong khi một đại diện khác cho biết, điều luật đã “chuyển hóa Hồng Kông từ một trung tâm tài chính toàn cầu thành một trung tâm tài chính cho Trung Quốc Đại lục”.
Hơn một nửa đại diện (51%) cho biết, việc thi hành điều luật khiến họ cảm thấy kém an toàn hơn khi sống và làm việc tại Hồng Kông, chỉ có 26% cho rằng điều luật khiến họ cảm thấy an toàn hơn.
Một đại diện giấu tên nói về cảm nhận, “nó kém an toàn đi nhiều. Các quy định luật pháp đang dần biến mất”.
“Mặc dù là người sở hữu hộ chiếu nước ngoài, nhưng điều luật có thể áp dụng với tôi, và không có điều gì khẳng định rằng tôi sẽ được hưởng quyền bảo vệ tại tòa án”, một đại diện khác cho biết.
Gần 49% số người được hỏi cho biết, doanh nghiệp của họ sẽ chịu ảnh hưởng xấu bởi điều luật, khoảng 13% lạc quan rằng điều luật có thể giúp ích cho doanh nghiệp của họ. Có khoảng 64% tuyên bố, điều luật sẽ tác động xấu tới triển vọng kinh doanh của họ, và 22% lại cho rằng điều luật sẽ giúp ích cho triển vọng kinh doanh của mình.
Có đến hơn 67% thể hiện thái độ bi quan về triển vọng kinh doanh chung tại đặc khu.
Một đại diện giấu tên đã bày tỏ quan ngại về việc mất đi quyền tự do báo chí, và tự do ngôn luận: “Liệu nhân viên của tôi có bị bắt giữ chỉ vì họ đăng tải một thứ gì đó lên mạng xã hội không? Liệu tôi vẫn có thể đọc được các tin tức chính thống không, hay lại toàn những tin tuyên truyền của Trung Quốc?”
Một đại diện khác chia sẻ, “Hồng Kông không còn là một thị trường bình đẳng, minh bạch và tự do, cùng với hệ thống pháp lý độc lập nữa, bởi vì chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ đã kết thúc”.
“Một quốc gia, hai chế độ” là một mô hình cam kết bảo toàn quyền tự trị của Hồng Kông, sau khi đặc khu được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, theo Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984.
Việt Anh (Theo Epoch Times)