Tinh Hoa

Mua thuốc qua mạng: mất tiền mua tật!

Những loại thuốc có tác dụng “thần kỳ” đang được chào mời trên mạng liệu có phải là câu trả lời cho vấn đề sức khỏe của bạn?

 

Ghế giảm cân! Thuốc mọc tóc! Sản phẩm cho thân hình lực sỹ! Vô số các trang web đang chào mời những phương thuốc “thần kỳ” có thể chữa khỏi một loạt các vấn đề sức khỏe. Nhưng các loại thuốc và các điều trị không do thầy thuốc kê đơn có thể khiến người sử dụng “tiền mất, tật mang”.

Mỗi năm có hàng trăm nghìn người tiêu dùng mua phải những loại thuốc lừa đảo được quảng cáo là chữa khỏi nhiều chứng bệnh như giảm cân, hói và yếu sinh lý. Những sản phẩm này thường không chỉ phí tiền mà còn nguy hiểm. Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ được bắt đầu dùng một thuốc mới hay ngừng dùng thuốc đã được kê đơn mà không hỏi ý kiến thầy thuốc.

 

Những nguy cơ khi mua thuốc trên mạng

Một số trang web chào mời những thuốc và cách điều trị mới cùng với những quảng cáo “bắt mắt” về công dụng của chúng. Nhưng những thuốc này thường là chưa được kiểm nghiệm và do đó có thể hoàn toàn không hề có tác dụng. Trong trường hợp xấu hơn, chúng có thể rất nguy hiểm.

Một số trang web khác có vẻ bán những thuốc có đơn thuốc mà bạn biết hoặc đã từng được bác sỹ kê đơn cho. Tuy nhiên, những thuốc này không phải là thuốc thật. Chúng là những thuốc giả không chứa hàm lượng như thuốc thật. Thuốc giả không chỉ không có tác dụng như thuốc thật mà chúng còn gây hại.

Nếu bạn tự ý dùng những thuốc chỉ được dùng khi có đơn thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ, thì có nguy cơ bạn đưa vào người những thuốc không an toàn hoặc không phù hợp. Còn nếu bạn đang bị bệnh mà lại ngừng dùng các thuốc đã được bác sĩ kê đơn để chuyển sang loại thuốc mới được mua qua mạng, thì tình trạng bệnh của bạn có thể trở nên nguy hiểm.

 

Những kiểu lừa đảo thường gặp

Có hàng ngàn trang web mời chào mua những sản phẩm sức khỏe lừa đảo trên mạng. Có thể nhận ra những trang web này qua những đặc điểm sau:

– Hứa hẹn một “phương pháp điều trị thần kỳ” hoặc “bước đột phá kỳ diệu”. Trên thực tế, những sản phẩm này có thể chưa được kiểm nghiệm hoặc chưa chứng minh được tác dụng.

– Cố thuyết phục người mua bằng những xác nhận từ các khách hàng trước. Làm thế nào bạn biết được các “xác nhận” này là thật? Và cho dù chúng là thật, thì những bằng chứng kiểu “truyền miệng” này không phải là bằng chứng khoa học mà thuốc điều trị bệnh phải có.

– Đảm bảo là thuốc “hoàn toàn không nguy hiểm, nếu không sẽ trả lại tiền”. Bạn hãy thử đòi lại tiền và những kẻ lừa đảo sẽ biến mất.

– Có sự “chứng thực” của một bác sỹ hoặc thầy thuốc trích dẫn những bằng chứng khoa học. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn, bạn sẽ thấy những “bác sĩ” này không có liên hệ với bất kỳ cơ sở y tế hay lâm sàng nào, và “bằng chứng” thì chưa từng được công bố trên tạp chí y học đáng tin cậy.

Cẩm Tú

Theo NHS

Nguồn: Dân Trí