Ngày 14/1, Bộ Kinh tế Đức bày tỏ sự lạc quan rằng nền kinh tế nước này có thể tăng tốc trong năm 2014 sau khi đạt mức tăng trưởng nhẹ trong năm 2013.
Báo cáo hàng tháng của bộ trên nêu rõ những tác động có lợi từ bên ngoài đối với nền kinh tế Đức lại trở nên rõ ràng, khi đề cập tới triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn đồng thời bất trắc bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro đang giảm dần.
Tuy nhiên, Bộ Kinh tế Đức cảnh báo khu vực đồng euro vẫn chậm trễ trong việc thoát khỏi suy thoái và cần đạt đà mới trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Chính phủ Đức dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2013 sẽ chỉ tăng nhẹ so với năm trước do tốc độ tăng trưởng thấp trong những tháng cuối năm.
Các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Đức đạt 0,5% trong năm 2013 và 1,7% trong năm 2014.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos thông báo kinh tế nước này tăng trưởng 0,3% trong quý IV/2013, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Guindos nhấn mạnh sự phục hồi của nền kinh tế nước này “tuy còn mong manh nhưng vẫn phục hồi.”
Nền kinh tế Tây Ban Nha đã tăng trưởng trở lại từ quý 3/2013, chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài hơn hai năm qua khiến nền tài chính công của nước này bị tàn phá và 1/4 lực lượng lao động mất việc làm.
Sau khi lên cầm quyền hồi tháng 12/2011, Chính phủ đương nhiệm đã ban hành nhiều cải cách nhằm khôi phục nền kinh tế.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Tây Ban Nha sẽ đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% trong 5 năm tới nếu Chính phủ nước này không thực hiện cải cách quyết liệt hơn, bao gồm các biện pháp giúp các công ty cắt giảm lương thay vì sa thải nhân viên./.
Theo Vietnamplus