Cho đến bây giờ vẫn không ai có thể giải thích được vì sao, những người dân sống trên hòn đảo đáng sợ ở vịnh Bengal luôn có thái độ thù địch, căm phẫn với tất cả những ai đến đảo- kể cả đến để giúp đỡ, cứu trợ.
Hòn đảo North Sentinel khi được chụp từ vệ tinh.
Đảo North Sentinel là một phần trong 572 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Andaman và Nicobar, nằm ở vịnh Bengal, giữa Myanmar và Indonesia. Đây có thể là nơi khó tiếp cận nhất trên thế giới. Những cư dân ở đây chưa bao giờ ưa những người tới thăm hòn đảo này. Những người sống trên đảo được cho là hậu duệ trực tiếp của loài người hiện đại sau khi rời khỏi châu Phi. Người ta ước tính rằng họ đã sống ở quần đảo Andaman gần 60 nghìn năm. Ngôn ngữ của họ khác xa với người dân ở những hòn đảo khác và rõ ràng họ hiếm khi liên hệ với thế giới bên ngoài trong hàng nghìn năm qua.
Ngày nay có khoảng 250 người sinh sống trên đảo North Sentinel. Họ không muốn ai tới vùng đất của mình, dù đó là những người mang quà cáp hoặc muốn tới giúp thậm chí là những ai vô tình bị chìm tàu gần hòn đảo. Dù là ai thì cũng đều được tiếp đón với sự thù địch, trường hợp xấu nhất họ có thể bị mất mạng.
Hình ảnh hiếm hoi về cư dân trên đảo Sentinel.
Ngay sau trận sóng thần kinh hoàng năm 2004 trên Ấn Độ Dương, một nhóm lính trên trực thăng của Hải quân Ấn Độ đã tới đây. Tuy nhiên có rất ít khả năng những người ở đây có thể sống sót trên một hòn đảo biệt lập nằm trong đường đi của trận sóng thần. Dù vậy họ vẫn thả các thùng lương thực xuống rồi bất ngờ bị tấn công bởi một chiến binh xuất hiện từ trong rừng. Người này mang theo cung tên và đã bắn về phía chiếc trực thăng. Kể cả sau sự kiện sóng thần khủng khiếp đó, người dân trên đảo vẫn không muốn nhận sự trợ giúp. Họ hoàn toàn không muốn liên hệ với thế giới bên ngoài.
Luôn sẵn sàng giương cung bắn người lạ, thật khó để tiếp cận những cư dân trên đảo này.
Ngày nay, nhờ công nghệ, người ta có thể nhìn thấy những địa điểm khó tới nhất trên thế giới. Khi sử dụng công cụ Google Earth để nhìn hòn đảo North Sentinel, ta chỉ có thể thấy các xác tàu cũ mắc cạn trên dãy san hô. Tất cả những thứ liên quan tới cuộc sống trên đảo đều được giấu kĩ trong các cánh rừng rậm rạp. Những người từng tới thăm hòn đảo đều trở lại với vẻ khiếp sợ, hoặc không bao giờ trở lại.
Năm 1880, một nhóm khá đông người Anh đổ bộ lên hòn đảo. Họ mất nhiều ngày để có thể bắt liên lạc với người trên đảo. Sau đó, họ tìm thấy 2 người già cùng 4 đứa trẻ và đưa tất cả tới cảng Blair. Hai người lớn đã qua đời sau đó có thể do mắc bệnh còn những đứa trẻ được mau chóng đưa trở lại đảo.
Dù rất đẹp, nơi đây lại là một hòn đảo cấm bởi sự hung tợn của người dân bản địa.
Nguồn: Dân Trí