Tinh Hoa

Đằng sau chiếc áo lông hào nhoáng là những kẻ tàn bạo

Để có được những bộ trang phục lộng lẫy từ lông thú nhằm tôn lên sự sang trọng, quý phái thì hàng triệu con thú đã bị tàn sát mỗi năm chỉ để lấy lông, da phục vụ cho nhu cầu làm đẹp ích kỷ của con người.

 

Con số đáng sợ
Theo số liệu thống kê, mỗi năm có hàng triệu con thú ở ngoài môi trường tự nhiên lẫn nuôi dưỡng trong các trang trại bị giết hại để lấy da và lông. Đặc biệt là các động vật hoang dã vì tính chất đẳng cấp, độc và hiếm của nó.
Tuy nhiên cái chết của chúng bị đánh đổi chỉ để phục vụ cho mục đích “thấp hèn” với những món đồ phù phiếm, kiêu sa trước mắt rồi sau đó bị lãng quên một vài lần sử dụng.
Tại Canada, một đất nước văn minh và tiến bộ nằm bên kia đại dương, được liệt vào danh sách “sát thủ” đối với các loài chồn, cáo, hải cẩu, thỏ, sóc, gấu và cả chó sói… nhưng ít ai biết được công nghệ lột da của họ được làm trong quy trình khép kín.
Ở Nam Phi, tình trạng tàn sát loài hải cẩu lông thú khiến cả thế giới phải bàng hoàng và nó được ví như nạn diệt chủng của phát xít. Mỗi năm, cứ vào tháng 7 đến tháng 11 có khoảng 110.000 chú hải cẩu bị những kẻ “máu lạnh” tìm mọi cách bắt và lột da.
Dù Nam Phi đã ban hành luật cấm con người đánh đập dã man tới chết một con vật, nhưng vì món lợi khổng lồ thì việc có giết tới hàng tỉ con cũng chẳng khiến những kẻ hám lợi sợ phạm pháp.
Trong khi đó, Trung Quốc được coi là cái nôi của sự hành quyết tàn bạo nhất đối với các loại thú vật. Ở đây, mọi công việc lột da thú được làm công khai, khiến bất cứ ai trông thấy cũng phải rùng mình khiếp sợ.
Hàng loạt các bài báo, video clip trên mạng đăng tải các quy trình lột xác thú ở Trung Quốc đạ gây làn sóng phản đối dữ dội.
Được biết, mỗi năm tại Trung Quốc có khoảng 2 đến 3 triệu con chó, mèo, chồn… bị giết để cung cấp cho ngành công nghiệp may mặc. Chỉ riêng việc làm ra thành phẩm một chiếc áo lông chồn đồng nghĩa với việc phải giết 60-70 con còn sống, cái giá quá đắt mà không khiến người ta phải giật mình.
Trang trại nuôi thú-địa ngục trần gian
Các trang trại nuôi thú được coi là địa ngục trần gian vì tất cả được nhốt trong những chiếc lồng hoặc chuồng chật chội, bẩn thỉu và vứt ở ngoài trời bất kể thời tiết nắng mưa, theo cơ chế thích nghi giúp lớp lông chúng thêm dày và chắc chắn sẽ có giá trị hơn.
Thậm chí để ngăn chặn tiếng kêu la của chúng, người ta còn cắt lưỡi, chọc mù mắt của các con vật đáng thương để chúng không thể gây tiếng ồn hoặc nhìn thấy đồng loại bị giết nhằm hạn chế việc nhao nhao làm loạn.
Và nghĩa vụ cuối cùng cung cấp những bộ da để phục vụ làm đẹp cho con người. Chúng bị giết hại theo những cách thức dã man nhất mà khiến ai trông thấy cũng phải bàng hoàng, thất kinh.
Chết trong đau đớn
Trước khi được lột da, các con thú phải vật lộn với đau đớn khi bị những người thi hành án tử cho nó lôi chúng ra khỏi chuồng, dùng dùi cui quất vào lưng, đập đầu, bẻ chân, chẹt cổ hoặc giáng mạnh xuống nền đất cứng cho xương vỡ ra.
Cách làm hung bạo này để đảm bảo những con thú không còn sức chống cự trước khi bị treo ngược lên thực hiện công đoạn lột da. Những vết rạch sắc lẹm khiến chúng quằn quại trong đau đớn.
Còn đối với những con thú có bộ da cần được đảm bảo hoàn hảo nhất thì sẽ được ghì chặt và bản thân nó phải chứng kiến sự tàn độc của con người khi lớp da từ từ chóc ra trên thân thể nó.
Hoạt động phản đối
Trước những hành động tàn sát dã man của con người, nhiều hoạt động diễn ra để chống lại việc giết động vật lấy da, lông thú để làm chất liệu cho các thiết kế thời trang trên toàn thế giới.
Điển hình là hoạt động của tổ chức AnimalNaturalis ở Puerta del Sol, trung tâm thành phố Madrid (Tây Ban Nha). Tất cả những người tham gia hoạt động này đều khỏa thân hoàn toàn. Không những vậy, họ còn nhuộm phẩm đỏ đầy người (tượng trưng cho máu của hàng chục nghìn động vật bị giết mỗi năm).
Những tấm biển với nội dung: “Cần giết bao nhiêu Hải cẩu để may 1 chiếc áo?”, “Cần bao nhiêu da cá sấu để có một chiếc ví?”, “Bao nhiêu cái chết cho 1 chiếc áo?”… được những người tham gia nude mang theo và đưa ra cho công chúng cùng thấy.
Họ hi vọng những hình ảnh mà họ đang tạo ra sẽ khiến cho công chúng không thể vô cảm trước sự đau đớn của những con vật bị giết hại để tạo ra những tấm áo lông thú phù phiếm mà nhiều người đang khoác trên người.
Vũ Kiều (tổng hợp)

Theo Motthegioi