Thuyền trưởng một tàu cá từ huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tố cáo bị tàu Trung Quốc tấn công, phá hủy ngư cụ và tước đoạt tài sản hôm 2/1.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 8/1, ông Phạm Quang Thạnh, thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu QNg 95738 nói tàu của ông bị tấn công khi đang cách đảo Phú Lâm khoảng 18 hải lý.
Ông Thạnh cho biết tàu tấn công tàu của ông là “tàu Trung Quốc màu trắng, có bốn chữ Trung Quốc và có số 02 ở phía sau”.
“Tàu này thả một chiếc ca-nô có biển số 306 xuống để áp sát và cho lực lượng nhảy lên tàu [của tôi], dồn tất cả các thuyền viên về trước mũi tàu,” ông nói.
“Sau đó họ chặt phá dụng cụ khai thác, rồi bắt chúng tôi phải xuống hầm hốt hết cá đưa sang tàu Trung Quốc.”
Ông Thạnh cho biết không có thuyền viên nào của ông bị thương.
Trong tin ngày 6/1, báo Đất Việt nói một tàu khác của Lý Sơn mang số hiệu QNg 96679 TS do thuyền trưởng Bùi Văn Thành cầm lái cũng bị tàu Trung Quốc số 02 áp sát trong cùng ngày 2/1.
Thuyền trưởng Thạnh nói tàu của Trung Quốc đã đâm vào tàu của ông Thành, khiến mũi tàu bị bể và các thuyền viên của tàu này đã bị “lực lượng Trung Quốc đánh đập và đập phá tài sản”
“Các anh em bên tàu đó có nói với tôi là phía Trung Quốc dùng roi điện để uy hiếp, trói anh Thành lại và đánh đập anh Thành,” ông nói thêm.
Các hình ảnh do báo trong nước đăng tải cho thấy một số thuyền viên của tàu QNg 96679 TS trở về đất liền trong tình trạng bị thương và đã được băng bó.
Báo Dân Việt trong tin ngày 5/1 cũng dẫn lời ông Ngao Văn Hiếu, Phó Đồn biên phòng huyện Lý Sơn nói đã được ông Thạch báo cáo về vụ việc và hiện lực lượng này đang “tiến hành lập biên bản lời khai của thuyền trưởng Thạch và các ngư dân đi cùng để điều tra làm rõ vụ việc”.
Tiếp tục ra khơi
Ông Thạnh cho biết tổng số thiệt hại lần này là khoảng 300 triệu đồng và nói ông nghĩ tàu của thuyền trưởng Thành cũng “chịu thiệt hại rất lớn” vì mới vừa ra khơi đã phải quay về cùng với số tài sản bị đập phá.
Ông cũng nói số vốn ra khơi lần này là vay từ những gia đình có cổ phần trong tàu và hiện đang phải tiếp tục vay mượn để chuẩn bị ra khơi trở lại.
“Tôi có báo cáo với chính quyền địa phương, nhưng chưa được nghe gì về phương án hỗ trợ,” ông nói.
Khi được hỏi liệu trong tương lai, ông có muốn tránh đánh bắt ở khu vực từng gặp nguy hiểm hay không, ông Thạnh nói:
“Tôi phải cố gắng ra khơi vì cuộc sống, và vì biển đảo quê hương của đất Việt”.
Trong một tin liên quan, báo Tuổi Trẻ ngày 6/1 cho biết hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trên huyện đảo Lý Sơn đã lại bắt đầu ra khơi để bắt đầu hoạt động đánh bắt tại hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi đợt biển động vừa chấm dứt.
Theo BBC