Một tham quan ngành đường sắt khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc vừa bị tuyên án tử hình, sau khi bị phát hiện tham nhũng tới hơn 21 triệu USD. Khám nhà tên này cảnh sát phát hiện khoảng 20 triệu USD toàn tiền mặt và rất nhiều vàng, trang sức.
Thông tin được tờ Thượng Hải nhật báo đăng tải. Theo đó chỉ trong vòng 2 năm, bị cáo Ma Tuấn Phi, cựu phó giám đốc cục đường sắt của Hohhot, thủ phủ khu tự trị Nội Mông đã nhận hối lộ tới 130 triệu nhân dân tệ, tương đương 21,49 triệu USD.
Hồi đầu tuần này, y đã bị tuyên án tử hình nhưng được tạm hoãn thi hành.
Có một chi tiết lạ đó là dường như Junfei chỉ say mê kiếm tiến chất đầy nhà mà không mấy tiêu xài. Trong quá trình khám hai ngôi nhà của y tại Hohhot và Bắc Kinh, cơ quan điều tra phát hiện những nơi này được dùng để chất đầy tiền mặt và vật dụng giá trị.
Trong đó riêng số tiền mặt, gồm 5 loại ngoại tệ khác nhau, ước tính xấp xỉ 20 triệu USD. Ngoài ra còn có 43,4 kg vàng.
Tòa án nhân dân cấp trung thành phố Hành Thủy tại tỉnh Hà Bắc khẳng định, Ma đã nhận hối lộ lên tới 75 triệu nhân dân tệ, nhưng không thể nhớ nổi số tiền 63 triệu nhân dân tệ tiền mặt và vàng còn lại đến từ đâu.
Viên tham quan này mới chỉ nhậm chức tháng 8/2009. Trong vòng 22 tháng trước khi bị điều tra, y nhận 269 khoản hối lộ, có nghĩa là trung bình cứ 2 ngày y lại nhận hối lộ một lần, tương đương gần 10.000 nhân dân tệ mỗi giờ.
Ma khai với cơ quan điều tra rằng mình nhận hối lộ bởi không muốn trở nên lạc lõng trong mắt các đồng nghiệp, và luôn cảm thấy khối tài sản kếch xù đó là một quả bom hẹn giờ. Y còn nói mình cảm thấy nhẹ nhõm khi bị điều tra tháng 6/2011.
Một nguồn tin giấu tên cho biết Ma nhận án tử hình nhưng được hoãn thi hành 2 năm bởi y hầu như không tiêu số tiền hối lộ.
Triệu Ủng Minh, phó giám đốc của công ty điều hành mỏ than Hối Thông, thuộc tập đoàn Huệ Năng Nội Mông từng hứa hối lộ Ma 50.000 USD/tháng để đổi lại việc được trao cho nhiều hợp đồng đường sắt hơn.
Bộ đường sắt Trung Quốc – cơ quan nay đã bị giải thể – từng vừa là nhà hoạch định chính sách, vừa cung cấp dịch vụ. Bộ này từ lâu đã bị chỉ trích về thói quan liêu, tham nhũng và dịch vụ kém.
Nhưng sau khi nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ này “ngã ngựa”, chính phủ Trung Quốc đã quyết định xóa sổ Bộ này hồi tháng 3/2013.
Thanh Tùng
Theo Thượng Hải nhật báo
Nguồn: Dân Trí