Tinh Hoa

Trung Quốc lập hệ thống tổng chỉ huy “diệt chiến tranh từ trứng nước”

 Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay cho hay, các lực lượng vũ trang nước này dự kiến thành lập một hệ thống chỉ huy hoạt động chung nhằm “tăng hiệu quả” phản ứng trước khủng hoảng, được cho là sẽ “diệt chiến tranh từ trứng nước”.

Trung Quốc đã dành ưu tiên cao nhất cho hải quân trong thời gian qua. Ảnh chụp nhóm tàu chiến sân bay đầu tiên của Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông vào tháng trước. 

 

Hiện tại, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA), đội quân lớn nhất thế giới, phối hợp cùng với không quân và hải quân Trung Quốc, được “dàn trận” trên một hệ thống địa lý với các lực lượng bộ binh làm nòng cốt và được chia làm 7 quân khu.

 

Hiện quân đội nước này đã “thiết lập những chương trình mẫu hiệu quả” cho một hệ thống chỉ huy hoạt động chung và sẽ thiết lập hệ thống này “trong thời gian thích hợp”, tờ China Daily, một tờ báo của nhà nước, dẫn nguồn Bộ Quốc phòng cho hay.

 

Tuy nhiên chưa rõ liệu hệ thống theo vùng sẽ được thay thế hay không.

 

 Song một cấu trúc hợp nhất hơn có thể giảm được khả năng chỉ huy địa phương có hành động sơ suất khi xảy ra khủng hoảng.

 

Theo China Daily, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết công cuộc hiện đại hóa quân đội của nước này không nhằm vào bất kỳ một nước nào.

 

Hệ thống “tiêu diệt chiến tranh từ trong trứng nước”

 

Ouyang Wei, một giáo sư tại Đại học quốc phòng của PLA, cho rằng hệ thống sẽ gia tăng tốc độ phản ứng trong trường hợp khẩn cấp của quân đội Trung Quốc.

 

“Hệ thống, đã được phổ biến ở phương Tây trong suốt nhiều thập niên, không nhằm khởi động một cuộc chiến, nhưng nhằm tiêu diệt nó từ trong trứng nước”, ông cho biết trên tờ China Daily.

 

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh hiện vẫn đang căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.

 

Trong suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã tăng ngân sách quân sự của nước này lên 2 con số và ông Li Qinggong, phó tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc sẽ tập trung nâng cấp kho vũ khí công nghệ cao trên biển, trên không và kho vũ khí hạt nhân.

 

Hải quân Trung Quốc có vẻ như đã là ưu tiên cao nhất của nước này, khi được cấp thêm các tàu sân bay và các hạm đội mạnh hơn.

 

“Trung Quốc đang xây dựng một pháo đài sắt ở các vùng biên giới của mình”, ông Li Qinggong nhận định trên China Daily. “Quan tâm lớn nằm ở vùng biển”.

 

Zhao Xiaozhuo, thuộc Học viện khoa học quân sự PLA, cho biết trên tờ báo rằng các tình huống khẩn cấp trên biển dễ xảy ra hơn bao giờ hết. “Một đội quân ngày càng hiệu quả sẽ không nhất thiết phải là một đội quân hiếu chiến hơn”, China Daily dẫn lời ông cho hay. “Trung Quốc đã làm rõ quan điểm hòa bình của mình, nhưng cũng đã đến lục phải cải thiện khả năng chiến đấu.”

 

Trong khi đó, tháng trước Nhật tuyên bố sẽ mua chiến đấu cơ tàng hình, máy bay không người lái, tàu ngầm trong khuôn khổ nâng cấp phần cứng quân sự, tăng cường phòng vệ ở các đảo miền nam xa xôi.

 

Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí chi 24,7 nghìn tỷ yên (237 tỷ USD) từ năm 2014-2019 trong cuộc chuyển hướng chiến lược về phía nam và tây đất nước, khi ngân sách quân sự được “kích thích” thêm 5% trong 5 năm.

 

Thông tin trên China Daily được đưa ra 2 ngày sau khi tờ Yomiuri Shimbun của Nhật đưa tin Trung Quốc đang xem xét giảm số quân khu hiện nay từ 7 xuống còn 5 quân khu.

 

Yomiuri  cho rằng cuộc cải tổ dự kiến này sẽ đánh dấu bước chuyển từ quân đội tập trung vào bộ binh và có thiên hướng phòng vệ hiện nay của Trung Quốc sang một đội quân có quản lý linh hoạt hơn, hợp nhất hơn giữa bộ binh, hải quân, không quân và các đơn vị tên lửa chiến lược.

 

Vũ Quý

Theo AFP

Nguồn: Dân Trí