Lăng mạ, chửi bới cảnh sát khi trước đó không lâu còn ôm hôn, tặng hoa hồng cho lực lượng này; làm loạn điểm bầu cử; tuyên bố săn đuổi Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho đến khi bà chết hoặc từ chức… hàng loạt chiêu trò đã được phe biểu tình ở Thái Lan áp dụng.
Sỉ nhục Thủ tướng và cảnh sát
Hôm 30/12, một nhóm khoảng 500 cảnh sát Thái Lan và gia đình đã xuống đường biểu tình tại Bangkok để thể hiện sự thất vọng, mệt mỏi sau nhiều tuần đối phó với những người biểu tình phản đối chính phủ.
Hành động này diễn ra 4 ngày sau khi một cảnh sát bị bắn chết trong cuộc đụng độ với những người biểu tình đang cố gắng ngăn cản các ứng cử viên đăng kí cho cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2014.
Những cảnh sát này để tang cho người cảnh sát đã hy sinh và khiếu nại rằng họ không được trang bị và tổ chức đúng cách để tự bảo vệ mình. Họ cũng phản đối việc hạn chế sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình hung hăng và những hành vi bạo động.
Cảnh sát Thái Lan tụ tập biểu tình tại thủ đô Bangkok
Đại tá cảnh sát Niwat Puenguthaisri, người dẫn đầu đoàn biểu tình của cảnh sát cho biết: “Chúng tôi tới đây để nói rằng chúng tôi đã kiên nhẫn đến mức tối đa. Nhưng chúng tôi cũng muốn nói rằng chúng tôi cũng có nhân phẩm và chúng tôi muốn bảo vệ nhân phẩm của mình.”
Không phải ngẫu nhiên mà cảnh sát lại xuống đường biểu tình như vậy. Thời gian qua, phe biểu tình đối lập đã không bớt lời lăng mạ, chửi bới, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cảnh sát khiến họ không thể chịu đựng được nữa, buộc phải đứng lên phản đối lại thái độ, hành động của phe đối lập.
Trước đó, hôm 22/12, hàng nghìn người, chủ yếu là phụ nữ, cũng tập trung bên ngoài ngôi nhà của Thủ tướng Yingluck ở ngoại ô Bangkok bất chấp tình hình an ninh được thắt chặt.
Những người biểu tình thổi còi, dấu hiệu đặc trưng của các cuộc biểu tình nhiều tuần nay, và vẫy cờ Thái. Đám đông hô to “Yingluck hãy cút đi”. Họ còn tuyên bố sẽ săn đuổi bà Yingluk cho đến khi bà chết hoặc từ chức.
Sự lăng mạ của đám đông biểu tình chống chính phủ khác hẳn với thái độ hồi đầu tháng 12/2013 khi họ bắt tay, ôm hôn, tặng hoa cho cảnh sát khi chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bất ngờ ra lệnh cho cảnh sát ngừng đối đầu với người biểu tình.
Xù lời thề
Đầu tháng 12/2013, thủ lĩnh biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban thề sẽ đầu hàng nếu cuộc biểu tình cuối cùng ngày 9/12 thất bại.
“Nếu mọi người không đến, tôi sẽ đầu hàng để đi tù. Tôi sẽ không chiến đấu nữa”, ông Shuthep nói trong một bài phát biểu đến những người ủng hộ. “Sống hay chết, thắng hay bại, chúng ta sẽ biết vào ngày thứ hai, 9/12”.
Tuy nhiên, đến chiều 10/12, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan dù vẫn tiếp diễn tại 3 địa điểm ở thủ đô Bangkok nhưng chỉ có vài ngàn người tham dự.
Trong ngày 9/12, số người tham dự biểu tình đã lên đến khoảng 140.000 người.
Tuy nhiên, chiều 10/12, làn sóng biểu tình có dấu hiệu lắng dịu khi các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan dù vẫn tiếp diễn tại 3 địa điểm ở thủ đô Bangkok nhưng chỉ có vài ngàn người tham dự.
Đến ngày 11/12 – hai ngày sau khi thủ lĩnh biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban nói lời thề, người dân vẫn thấy ông này hung hăng yêu cầu cảnh sát bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì tội “phản quốc”.
“Tôi yêu cầu cảnh sát bắt giữ bà Yingluck vì tội phản quốc sau khi bà không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi”, ông nói với những người ủng hộ vẫn cắm trại tại Tòa nhà Chính phủ.
Người biểu tình chống chính phủ xung đột với cảnh sát chống bạo động ở Bangkok hôm 26/12
Đe dọa quan chức
Ngày 26/12, khoảng 500 người biểu tình đã tập trung ở bên ngoài một sân vận động Bangkok khi Ủy ban Bầu cử đang tổ chức một cuộc rút thăm lấy số thứ tự cho ứng viên của 30 đảng chính trị tham gia vào cuộc bầu cử tháng 2/2014.
Cảnh sát đã đóng tất cả các cổng và dùng xe chuyên dụng để chặn ở phía sau. Họ khuyến cáo nhóm người không được tràn vào bên trong, nhưng vô ích.
Những người biểu tình dùng một chiếc xe tải để húc đổ chiếc cổng của sân vận động và xông vào. Một số người ném đá hoặc nhặt các bình xịt hơi cay rồi ném vào bên trong.
“Người biểu tình đã không hòa bình và phi vũ trang như họ tuyên bố”, phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul nói trong một bài phát biểu trên truyền hình. “Họ đang đe dọa các quan chức và xâm phạm các tòa nhà chính phủ”.
Được biết, lực lượng tham gia biểu tình do cựu phó thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban khởi xướng gồm người dân Bangkok và khu vực miền nam Thái Lan, vùng cơ sở của Đảng Dân chủ.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan trên thực tế là sự xung đột, chia rẽ giữa số đông với sức mạnh lá phiếu (nông dân, người nghèo phía bắc) và thiểu số (lực lượng nhà giàu, thuộc phe biểu tình đối lập) luôn thất vọng với việc liên tục thất bại trong bầu cử, quyền lực chính trị bị hạn chế.