Năm 2014, điều gì sẽ diễn ra tại Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là một quốc gia đang trỗi dậy về quân sự và không ngừng khuếch trương ảnh hưởng ra khu vực, nhất là ở những vùng tranh chấp?
Những vùng biển đông đúc
Nếu hỏi bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào trên thế giới rằng những ngày này, điều gì khiến họ lo lắng nhất tại châu Á, câu trả lời sẽ là “hiểu lầm“.
Đó là mối lo các tàu của Mỹ, Nhật và Trung Quốc sẽ đối đầu nhau ở những vùng biển ngày càng đông đúc tại Hoa Đông hay Biển Đông. (Vào ngày 5/12, một tàu đổ bộ Trung Quốc suýt va chạm với tàu tuần dương Mỹ). Nếu đưa ra cùng một câu hỏi với quan chức Trung Quốc, bạn sẽ được nghe rằng, nguy cơ hiểu lầm rất thấp. Cho dù đó là đánh giá phi lý hay chân thực, thì nguy cơ đụng độ khó có thể phủ nhận.
Hai là không đủ
Những tin tức về việc Trung Quốc đang nới lỏng chính sách một con tồn tại lâu dài vừa qua, cho phép các gia đình có con thứ hai, được rất nhiều người thành thị hoan nghênh.
Đây là ví dụ tốt cho cách mà chính phủ phản ứng với những khuyến cáo của nhà kinh tế, những người dự đoán rằng, thời gian tới, Trung Quốc sẽ ngày càng ít nhân công lao động và có quá nhiều người hưu trí.
Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau khi chính sách mới được công bố, các gia đình hay nhà nghiên cứu đều chỉ trích “chính sách hai con” chưa đi đủ xa. Chỉ có khoảng 20 triệu người hội đủ điều kiện của chính sách sửa đổi, các chính quyền địa phương thì thường thực thi chậm đủ để như học giả Trác Tuyết Kim cảnh báo “sẽ không có ảnh hưởng lớn“.
Rủi ro dân tộc chủ nghĩa
Với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc luôn là một công cụ nhạy cảm, nó dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã khuyến khích người dân hình dung ra một mục tiêu lớn hơn, tham vọng hơn. Đó là “giấc mơ Trung Quốc“. Vì thế, ông cần cho phép họ thể hiện sự nhiệt thành của mình, kể cả khi điều đó bắt ông hứng chịu rủi ro.
Năm của nước
Với những người phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm của Trung Quốc, thì đây không còn là vấn đề cuộc sống mà là chuyện kinh tế và chính trị, khi các địa phương đua nhau thay đổi để đáp ứng mong muốn của người dân. Không khí bẩn có thể gây ra chú ý, nhưng trong năm tới, nước lại có nguy cơ lớn hơn. Đầu năm 2013, một cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước khiến chính quyền phải cắt nguồn cung cho một thành phố 9 triệu dân. Trung Quốc giờ đây ý thức được việc phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước thậm chí hơn cả các quốc gia khô cằn Trung Đông.
Theo Dantri