Đừng bao giờ để những người dân nước bạn đến phải tròn mắt kinh ngạc mỗi khi chúng ta làm một ký hiệu bằng tay nào đó tưởng chừng như vô hại. Bởi lẽ ở mỗi nền văn hóa khác nhau, những ký hiệu ấy lại mang một ý nghĩa chẳng hề giống nhau.
Hãy cẩn thận khi giơ bất kỳ ngón tay nào của bạn lên trong lúc nói chuyện với người nước ngoài bởi bạn có thể đang vô tình lăng mạ họ.
Ngón cái kẹp giữa ngón trỏ và ngón giữa
Ở Nam Phi, nếu ai đó kẹp ngón cái giữa ngón trỏ và ngón giữa đồng nghĩa với thông điệp “Cút đi!”.
Vào thời La Mã cổ đại, ký hiệu này là một biểu tượng được sử dụng để chúc may mắn hoặc xua đuổi ma quỷ. Tuy nhiên, do nó gợi nhớ đến một bộ phận nhạy cảm của nữ giới, Ấn Độ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và một số quốc gia Nam Phi coi đây là một dấu hiệu lăng mạ.
Vì vậy, nếu bạn muốn chúc những người bạn Bồ Đào Nha may mắn bằng ký hiệu hoa mỹ này, hãy nhớ là đừng làm nó giữa đám cưới của người Nam Phi.
Vòng tròn
Đây là ký hiệu rất được ưa thích ở Mỹ vào đầu thế kỉ 19. Vào thời kì này, các tờ báo bắt đầu chuộng kiểu viết tắt các chữ cái đầu ở các cụm từ thông dụng. Điển hình là chữ “OK”. Một số người tin rằng đó là dạng viết tắt của “all correct” (tất cả đều ổn) nhưng thường bị viết sai thành “oll correct”. Trong khi những người khác lại cho rằng đó là từ phản nghĩa của “knock-out” (hạ đo ván), tức “KO”. Nhưng rõ ràng, bản thân vòng tròn tượng trưng cho mẫu tự “O” trong dấu hiệu “OK”. Ý nghĩa của “OK” trở nên phổ biến trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh rồi nhanh chóng lan truyền khắp nơi nhờ truyền hình và phim ảnh Mỹ.
Tuy nhiên, ký hiệu này có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau ở một số nơi:
Ở Pháp và Bỉ, “OK” có nghĩa là bằng 0 hoặc vô giá trị. Ví dụ khi vào một nhà hàng Pháp, nếu nhân viên hỏi chỗ ngồi của bạn có ổn không mà bạn ra dấu OK, thì họ sẽ chuyển bàn giúp bạn.
Ở Nhật, ký hiệu “OK” có nghĩa là tiền. Nếu bạn kinh doanh ở Nhật và làm ký hiệu này với ý “Đồng ý” hay “Chấp nhận” thì người Nhật có thể nghĩ là bạn đang yêu cầu họ hối lộ.
Ở một số nước Địa Trung Hải, đây là ký hiệu thường được dùng để ám chỉ những người đàn ông đồng tính.
Người Thổ Nhĩ Kì lại cho rằng bạn gọi anh ta là kẻ ngốc. Còn ở các nước Ả Rập thì hiếm khi người ta sử dụng ký hiệu này vì nó bị coi là dấu hiệu đe dọa hoặc tục tĩu.
Ngón cái chĩa lên
Bên cạnh đó, ngón tay cái cũng được sử dụng để thể hiện quyền lực hoặc khi ai đó khống chế chúng ta. Lý giải cho điều này, người ta tin rằng ngón cái linh động và có sức mạnh hơn hẳn những ngón tay còn lại.
Ngón giữa hướng lên
Đây là một cử chỉ khá khiếm nhã ở một số nền văn hóa. Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của ký hiệu này.
Một giả thuyết cho rằng nó bắt đầu được sử dụng từ thời kỳ chiến tranh 100 năm ở Châu Âu. Ở giai đoạn này, những tay cung thủ được xem là đặc biệt nguy hiểm. Nếu bị bắt, cung thủ có thể bị chặt đứt ngón tay giữa để vô hiệu hóa. Vì vậy, khi may mắn trốn thoát, họ thường giơ ngón giữa để chế nhạo và lăng mạ kẻ thù.
Tuy nhiên, theo quan niệm từ thời Hy Lạp cổ, ngón tay giữa chỏng lên tượng trưng cho hình ảnh dương vật của người đàn ông, vì vậy nó thường mang ý nghĩa nhạo báng, chửi thề.
Còn ở Ả Rập và các nước Địa Trung Hải, khi muốn bày tỏ sự chế giễu và lăng mạ, người ta thường giơ ngón trỏ.
Chữ “V”
Ký hiệu này rất thông dụng ở Australia, New Zealand và Anh, mang ý nghĩa như một câu chửi thề nếu lòng bàn tay hướng vào trong. Trong khi đó, lòng bàn tay hướng ra ngoài khi làm ký hiệu “chữ V” lại tượng trưng cho “chiến thắng”.
Ở một số nước châu Âu, dấu hiệu hình chữ V với lòng bàn tay hướng vào trong vẫn mang nghĩa chiến thắng. Vì vậy, việc một người Anh dùng dấu hiệu này để chọc giận người Đức có thể làm người Đức nghĩ rằng mình là người thắng cuộc.
Còn tại một số nước châu Âu khác, ký hiệu này có nghĩa là “số 2”. Do vậy nếu một nhân viên pha phế rượu ở đây bị người Anh hoặc Australia xúc phạm bằng ký hiệu chữ V thì sẽ dễ hiểu khi anh ta đưa cho họ hai cốc bia.
Nếu bạn đi du lịch nước ngoài, nguyên tắc an toàn nhất là luôn nhờ người dân địa phương chỉ cho bạn các dấu hiệu xúc phạm để tránh gặp phải các tình huống khó xử. Bằng không hãy nhớ ý nghĩa các ký hiệu bằng tay của nơi bạn đến.
Minh Phan (tổng hợp)
Nguồn: Dân Trí