Với nhiều thảm họa như siêu bão Haiyan, ngập lụt trên diện rộng, lốc xoáy hay cháy rừng, 2013 được coi là một năm cho thấy sự khắc nghiệt của thời tiết đang ảnh hưởng, gây thiệt hại vô cùng lớn về người và của ở nhiều nơi trên thế giới.
1. Lũ lụt ở châu Âu
Những trận mưa lớn trên diện rộng xảy ra ở nhiều khu vực thuộc Trung Âu như Đức, Áo, Czech… từ hôm 30/5 kéo dài đến đầu tháng 6. Mưa lớn kéo theo vỡ đê, gây ngập lụt, làm phong tỏa nhiều tuyến đường đi bộ và đường sắt; toàn bộ trường mẫu giáo, tiểu học và trung học phải đóng cửa; hàng nghìn người dân phải đi sơ tán. Nước sông Elbe ở Đức dâng mức kỷ lục 7,48 m – cao hơn 5 m so với mức bình thường và vượt qua mức cao nhất của trận lụt năm 2002. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, đây được coi là đợt lũ lịch sử ở khu vực dọc sông Elbe và Danube kể từ năm 1950.
2. Tần suất lốc xoáy ở Mỹ giảm
2013 là năm thứ hai được ghi nhận có số lượng các trận lốc xoáy (vòi rồng) xảy ra tại Mỹ với tần suất dưới mức trung bình. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Bão Quốc gia, có 928 trận lốc xoáy được ghi nhận trong năm 2013. Tính riêng trong năm nay, những trận lốc xoáy xảy ra nhiều nhất vào tháng 5 và tháng 11. Kể từ năm 1993, Mỹ chịu ảnh hưởng từ hơn 1.250 trận lốc xoáy mỗi năm. Trong những tháng chuyển mùa, không khí lạnh ở lớp bên trên đè lên lớp không khí ấm, tạo ra chuyển động mạnh, gây ra những cơn bão và hình thành các điều kiện lý tưởng để tạo ra lốc xoáy.
3. Lốc xoáy ở Oklahoma
Mặc dù 2013 là một năm ít biến động của hiện tượng lốc xoáy, nhưng hai trận lốc xoáy với sức mạnh khủng khiếp đã càn quét qua thành phố Moore, bang Oklahoma, hồi tháng 5. Cơn lốc xoáy đầu tiên với sức gió lên tới khoảng 340km/h, mạnh nhất từ trước đến nay, đã khiến ít nhất 51 người thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em. Vài ngày sau đó, một cơn lốc xoáy mạnh khác với sức gió 320 km tiếp tục quét qua vùng ngoại ô của thành phố Oklahoma, thủ phủ bang cùng tên.
4. Cháy rừng ở Australia
Tình trạng cháy rừng và nhiệt độ cao xuất hiện ở Australia từ đầu năm 2013. Tháng 1 năm nay được coi là tháng nóng nhất ở khu vực này trong nhiều năm qua, với nhiệt độ dao động thường đạt mức 48 độ C. Nhiệt độ cao hơn mức trung bình kéo dài ở khu vực này trong suốt năm. Thời tiết hanh khô khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên, trong đó đỉnh điểm là các vụ cháy rừng xảy ra vào tháng 10, khiến 2 người chết và gần 250 tòa nhà bị phá hủy.
5. Mùa bão chậm ở Đại Tây Dương
Sau cuộc đổ bộ của cơn bão Sandy năm 2012, mùa bão chậm năm 2013 được coi là một điều may mắn với những cư dân sống ở các quốc gia ven biển Đại Tây Dương. Tính riêng trong năm nay, có 13 cơn bão nhiệt đới hình thành ở đại dương này, và chỉ có hai cơn bão đạt đến cấp 8. Mặc dù các điều kiện hình thành bão lớn xuất hiện từ đầu năm 2012, tuy nhiên không khí khô và gió mạnh đã ngăn các cơn bão này đạt đến cường độ cao và nguy hiểm.
6. Siêu bão
Tính đến đầu tháng 11 năm nay, 30 cơn bão nhiệt đới lớn đã xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương, được hình hành do điều kiện gió thuận lợi và nhiệt độ bề mặt biển ấm. Trong đó phải kể đến siêu bão Haiyan-cơn bão nhiệt đới lớn nhất năm 2013, đổ bộ vào Phillipineshôm 8/11. Sức mạnh hủy diệt của cơn bão đã khiến hơn 6.000 người dân thiệt mạng; gần 4 triệu người mất nhà cửa hoặc phải di chuyển đến nơi ở thay thế; hàng trăm nghìn người bị thương; các công trình giao thông, công sở, trường học… đều bị phá hủy và ngưng hoạt động. Haiyan đã gây thiệt hại lớn về người và của cho Phillipines, khiến quốc gia này cần hàng trăm triệu USD để khắc phục hậu quả.
7. Ngập lụt ở Mỹ
Lũ lụt nghiêm trọng và sạt lở đất do mưa lớn gây ra ở bang Colorado, Mỹ, hồi tháng 9, đã nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà dưới biển nước. Nước sông dâng cao và các dòng nước dữ còn khiến 8 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích. Thị trấn Boulder là nơi bị thiệt hại nặng nề, với lượng mưa lớn kéo dài trong khoảng 15 giờ tính từ đêm 11/9. Nhiều khu vực bị ngập nước và gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài.
Theo VNE