Tinh Hoa

Người Hà Nội 100 năm trước

Qua ống kính của Leon Busy, một trung úy quân đội Pháp, Hà Nội ở thế kỷ 20 trong khi nhà giàu quần là áo lượt thì dân nghèo thiếu ăn thiếu mặc. 
 

Năm 1909, Albert Kahn, một chủ nhà băng người Pháp, tiến hành kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng kho tư liệu ảnh màu cho các dân tộc trên thế giới. Leon Busy, trung úy hậu cần quân đội Pháp, được giao chụp ảnh ở Việt Nam. Từ năm 1914 tới năm 1917, Busy đã chụp hơn 1.700 bức ảnh. Khoảng 60 bức ảnh của ông đang được trưng bày trong triển lãm Hà Nội sắc màu. Trong ảnh là một cô gái đang têm trầu.

Leon Busy khá ưu ái thiếu nữ đang soi gương trong hình, cô đã xuất hiện trong 16 bức ảnh màu của ông.

Trong từng bức ảnh, nổi bật lên sự khác biệt giai cấp qua trang phục, đồ đạc. Người nhà giàu mặc lụa là gấm vóc, đồ gỗ trong nhà được chạm khảm tinh xảo.

Một ông nhà giàu sửa soạn hút thuốc.

Quần áo và dép của một bà đồng có nét khác biệt rõ rệt với trang phục của các giai cấp tầng lớp trên.

Bốn mẹ con người ăn mày mù lòa ngồi cạnh hàng rào dứa gai xin lòng thương của phật tử tới chùa.

Người ăn mày bị bệnh phong mong manh trong chiếc khố ngồi nơi vệ đường.

Leon Busy còn chụp nhiều ngành nghề khác như nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống. 

Ông đồ vận áo the nâu, quần trắng, khăn thếp có học trò mài mực giúp.

Những người buôn bán, dân thường ăn mặc giản dị, áo the khăn vấn gọn gàng. Từ xưa, người dân Hà Nội đã có thói quen ăn hàng dù quán rất đơn giản. Chiếu phủ lên nền đất làm chỗ ngồi, bàn được làm bằng tre, đồ ăn có mẹt đậy.

Người đứng bán hoa quả trước cửa đền Ngọc Sơn.

Nghề bật bông xưa được làm ngay ngoài trời. Thời kỳ người dân còn nghèo, nghề “làm mới” chăn bông rất phát đạt.

Phan Dương/ VNE