Chán chường, luôn than thân trách phận và mất niềm tin vào cuộc sống… là thái độ sống mà một bộ phận không nhỏ bạn trẻ mắc phải trên mạng xã hội.
Trên Facebook, nếu gõ từ khóa “Hội những người muốn chết” lập tức sẽ cho ra hàng chục kết quả. Ngoài ra, “Hội những người hay chán nản muốn chết nhưng vẫn sống sờ sờ”, “Hội những người đôi khi chỉ muốn chết quách cho xong”, “Bỗng dưng muốn chết”, “Hội những người muốn tự tử tập thể”, “Hội những người chán sống nhưng sợ chết“… là những điển hình cho thái độ sống nói trên.
Những “vựa than”
Chưa một mảnh tình vắt vai do có ngoại hình thô kệch, tấm bằng đại học là điều xa tầm với do còn nợ tín chỉ vài môn học, khi đi làm bị chủ chèn ép mức lương… N.T.V.A. (28 tuổi, quận 1, TP.HCM) ngày càng thu mình trước mọi hoạt động tập thể, đám cưới bạn bè là nơi V.A. tuyệt nhiên không bao giờ xuất hiện.
“Đã là con gái mà còn xấu, thất bại thì sao mà dám kết bạn với ai” – V.A. giải thích cho những dòng status đầy tâm trạng trên Facebook, về vẻ mặt luôn cau có, thiểu não của mình trong bao năm qua. Thời gian rảnh, V.A. ở nhà luyện phim bộ hoặc lang thang vào các… hội than trên mạng thay vì đi học thêm vi tính, tiếng Anh hoặc tập thể dục. “Sinh ra vốn đã xấu thì phấn đấu chi cho mệt!” – V.A. cười đầy chua chát.
Những lời than vãn, thái độ sống tiêu cực cũng là rào cản chuyện tìm việc và thăng tiến. Theo một nghiên cứu của ExecuNet (trang web kết nối các lãnh đạo), 35% nhà tuyển dụng cho biết từng loại những ứng viên bởi thái độ sống tiêu cực thể hiện trên mạng xã hội dù họ xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn và có hồ sơ xin việc hoàn hảo.
Còn Trần Bảo Anh (28 tuổi, chuyên viên CNTT) cho biết vừa xuống tay chặn nick của một cô bạn vì “chịu hết xiết cái sự than của cô nàng!”. “Cô bạn ấy luôn túc trực trên Yahoo nhưng lại toàn treo status “chán”, “quá mệt mỏi”, “chẳng thiết sống nữa”… Ngày nào cũng bị những status ấy đập vào mắt khiến tôi ít nhiều bị ức chế theo!” – Bảo Anh giải thích.
Là học sinh khá giỏi của một trường THPT lớn ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) nhưng N.H.P.L. (17 tuổi) luôn thể hiện tâm trạng đau khổ, mất niềm tin vào tình yêu trên trang Facebook cá nhân.
Quá nửa diện tích trên Facebook của P.L. là những dòng thơ, tự sự đầy bi quan như: “Nhớ một người không nhớ mình… là mệt mỏi, là đau khổ, là vô vọng, là ngu ngốc, là dại khờ…”, “Đừng sống thật thà và đừng yêu ai quá thiết tha. Đau đấy!”…
Một tháng trước, P.L. còn khiến bạn bè hoảng vía khi đăng tấm hình cánh tay bị rạch ba vết còn rớm máu của mình với chú thích: “Cuối cùng tôi đã tìm ra hình phạt cho mình nếu còn nhớ em. Từ nay, mỗi lần nhớ em tôi sẽ rạch lên tay mình một nhát…”. Một bạn nữ của P.L. xót xa: “Bạn ấy bảnh trai, mặt mũi sáng sủa, học tốt nhưng không hiểu sao lại dễ bi quan, lụy tình đến vậy”.
Mỗi người một câu chuyện, nhưng những bạn trẻ trên có điểm chung là thấy cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị và chỉ biết sống một cách vật vờ, không khát vọng.
Thái độ sống là điều quyết định
Theo Th.S tâm lý Đào Lê Hoài An (phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt), có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ sống bi quan của một bộ phận giới trẻ hiện đại: không xác định được mục tiêu sống, không tìm được giá trị sống đúng nghĩa (do các chuẩn mực của xã hội liên tục bị đảo lộn), cảm thấy không được yêu thương hoặc từng trải qua một biến cố gây tổn thương tâm lý…
Khi vướng phải một trong những vấn đề trên, các bạn có xu hướng thu mình, cảnh giác quá mức, dè dặt, hay nghi ngờ hoặc đôi khi cảm xúc bộc phát không kiềm chế được. Nhiều trường hợp thay đổi hoạt động giao tiếp và có thể gia tăng việc sử dụng rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác.
MC Thanh Tùng, trưởng ban nội dung YAN TV, tiết lộ anh luôn nhắc khéo ứng viên “dọn dẹp” Facebook ngay sau buổi phỏng vấn. “Tôi nghĩ không nhà tuyển dụng nào muốn nhận vào công ty những nhân viên có thái độ sống bi quan, cái nhìn tiêu cực vào con người, cuộc sống… nên nếu bắt gặp Facebook của ứng viên la liệt lời lẽ than thân trách phận, hận đời hận người thì 100% tôi sẽ loại” – anh Tùng cho biết. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, cũng khẳng định sẽ cân nhắc cơ hội đề bạt, thậm chí đuổi việc những nhân viên có thái độ sống quá tiêu cực.
Theo ông, để tự giúp bản thân vượt qua giai đoạn khó khăn, trước tiên các bạn trẻ phải học cách chấp nhận những chuyện đã và đang xảy ra với mình, tập trung chăm sóc bản thân và luôn tự động viên “mình sẽ vượt qua được”.
Ngoài ra, những người trẻ nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, trong những tình huống thật sự nghiêm trọng có thể tìm đến những trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý. “Điều quan trọng là bạn trẻ phải chọn lựa thoát khỏi khủng hoảng, không để sự bi quan, yếm thế “điều hành” cuộc sống của mình” – ông phân tích.
Còn theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, để thoát khỏi tâm trạng bi quan, chán nản thì “hoạt động” là từ khóa quan trọng nhất cho các bạn trẻ.
Có nhiều cấp độ hoạt động để các bạn trẻ có thể tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống như: tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp, tham gia những câu lạc bộ đội nhóm về các môn năng khiếu để khám phá bản thân, tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng để hiểu đúng về giá trị bản thân.
Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên thiết lập cho mình những mục tiêu sống cụ thể để có định hướng hoạt động, học tập rõ ràng, qua đó sẽ tránh khỏi những chán nản, bế tắc, hoang mang khi đối diện câu hỏi “Tôi sống để làm gì?”.
Ngoài ra, việc thay đổi quan niệm sống cũng là điều nên làm. Đây là điều khó nhưng không phải không làm được, bạn chỉ cần tư duy rằng: đây không phải là khó khăn, đây là cơ hội để biết năng lực mình ở mức nào. Đây không phải là sự bế tắc, đây là cơ hội để mình thử giải quyết vấn đề theo cách của mình.
Theo Tuoitre