Tinh Hoa

Mẹ làm cán bộ huyện, vẫn “tặc lưỡi” cho con dùng đồ Trung Quốc

Có thể nhiều người cho rằng các mẹ ở nông thôn, vùng núi thường thờ ơ với sức khỏe và sự an toàn của con, nhưng quả thực đối với họ việc tìm kiếm “sự an toàn” theo đúng nghĩa đúng là một sự… bất lực gần như tuyệt đối.

Tôi có con nhỏ 4 tuổi, vì là cán bộ công chức cấp huyện ở tỉnh Lào Cai nên tôi thường xuyên đọc báo và quan tâm đến các vấn đề xung quanh sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tôi cũng từng sợ hãi trước thông tin về đồ chơi, kẹo bánh Trung Quốc chứa chất gây ung thư; quần áo gây ngớ ngẩn hay sữa nhiễm khuẩn…Nhưng thực sự, muốn tìm sự an toàn cho con như các mẹ thành phố thì tôi không thể làm được.

Kẹo bánh Trung Quốc bán tràn lan ở các chợ vùng cao

Ở tất cả các chợ, cửa hàng tạp hóa nơi tôi sống các mặt hàng Trung Quốc bán tràn ngập. Hầu như 80% hàng hóa ở đây được lấy từ Trung Quốc từ quần áo, vải vóc, bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi đến cả cái…dây buộc tóc. Những người bán hàng lấy chúng một cách dễ dàng từ bên kia bên giới với giá “bèo” và bán lại cho người lao động nghèo với giá cũng hết sức rẻ mạt. Họ nói rằng, chỉ có hàng rẻ, hàng Trung Quốc mới bán chạy vì vậy họ chẳng dại gì mạo hiểm buôn bán các thứ đồ sinh hoạt đắt tiền ở vùng miền núi nghèo này.

Các mẹ trẻ ở thành phố muốn bảo vệ con trước thực phẩm, quần áo, sữa… bẩn thì có thể mua hàng hiệu, sữa đắt tiền, đồ ăn siêu thị, còn tôi – một bà mẹ khá kỹ tính sống ở vùng núi muốn tìm được hàng tốt, đắt tiền, đảm bảo chất lượng cho con đúng là một thử thách.

Tôi còn nhớ những ngày đầu sinh con, tôi được chị gái (lấy chồng ở Hà Nội) dặn đi dặn lại phải chọn bỉm, sữa cho con cẩn thận. Tuy nhiên, chồng tôi tìm khắp các cửa hàng ở phố huyện cũng không có chỗ nào bán bỉm tốt cho trẻ. Những thứ mua được là bỉm loại siêu rẻ, không nhãn mác, bỉm đóng thành lố với giá chỉ từ 25.000 – 35.000 bịch 30 chiếc. Những loại bỉm này bé chỉ tè được 1 – 2 lần là tràn, sần sùi và rách.

Có hỏi mua bỉm đắt tiền thì các chủ cửa hàng đều nói: “Có lấy về cũng không ai mua vì đắt quá, chỉ có hàng rẻ tiền này là bán chạy”. Thế là đành chịu, đành phải cho con đóng bỉm “rởm” mặc dù không muốn. Chị gái tôi mỗi lần cho con về quê chơi đều tha lôi một đống bỉm mua ở thành phố, một là cho con chị dùng hai là để phần cho con tôi. Cực chẳng đã, tôi cố gắng hạn chế đóng bỉm cho con và tập cho con sớm biết xi tè để không phải dùng nhiều bỉm.

 

 

 

Quần áo của trẻ con ở đây cũng thế, chuyện ở huyện nghèo mà mua quần áo đắt hơn ở Hà Nội gấp rưỡi thì các mẹ cũng đừng quá ngạc nhiên. Đồ tốt về được đến các cửa hàng ở Lào Cai thì giá của nó cũng đội lên kinh khủng. Nếu chị gái tôi mua cho con một cái áo khoác ấm chỉ với giá 150.000 đồng thì cũng với cái áo đó tôi phải mua với giá 250.000 đồng. Trong khi đó, quần áo Trung Quốc bày bán la liệt chỉ với giá vài chục nghìn đồng.

Sự lựa chọn của túi tiền cũng khiến không ít lần tôi “tặc lưỡi”: “Trẻ con nhanh lớn, mua mặc được một mùa thì mua hàng rẻ tiền cũng được”. Cũng may là con gái tôi kém các cháu nhà chị tôi một vài tuổi nên năm nào cũng vậy, quần áo của các cháu chị gửi về từ thành phố rất nhiều.

Khi con gái tôi đến cái tuổi biết… đòi quà, tôi thực sự đau đầu khi phải tìm cách cho con tránh xa các mặt hàng kẹo bánh xanh, đỏ, tím vàng…đầy chữ Trung Quốc mà trẻ con ở đây hầu như đứa nào cũng ăn. Tôi phải rất kỳ công để lựa chọn bánh kẹo có nhãn mác, xuất xứ. Lúc nào trong tủ nhà tôi cũng phải có ít bánh kẹo để “dụ” con những lúc nó thèm hay nhìn thấy bạn bè có quà. Tuy nhiên, sự kiểm soát cũng không được tuyệt đối khi bất kỳ người quen nào cũng có thể “thơm thảo” mua cho con quà bánh.

Đồ chơi của con tôi cũng rất hạn chế mua ở đây, chủ yếu các món đồ đều được các cháu con chị gái tôi gói ghém mang về từ thành phố. Hầu như đều là đồ chơi cũ nhưng rất an toàn và yên tâm. Tôi cũng cố gắng tận dụng khoảng đất vườn để trồng rau, nuôi gà, nuôi vịt nhằm cải thiện bữa ăn sạch cho gia đình.

Vì con, tôi có thể cả ngày làm việc ở cơ quan, hết giờ hành chính lại trở về là người nông dân thực thụ. Đó cũng là cách duy nhất mà một bà mẹ như tôi có thể làm để bảo vệ sức khỏe cho con mình.

Mẹ Su Bi
Theo Danviet