Sinh nhật Mao Chủ tịch lần thứ 120 tại Trung Quốc vào ngày 26/12 năm nay là sự kiện có một không hai ở Trung Quốc.
Dù đã tạ thế ngày 9/9 năm 1976 nhưng người lập ra nước Trung Hoa Cộng sản chưa bao giờ ‘chết hẳn’.
Lãnh đạo hiện nay, Tập Cận Bình không có ‘sức mạnh’ như Mao
Đảng cầm quyền đã dùng ngày sinh nhật của ông làm thành các lễ lớn để củng cố tính chính danh cho chế độ.
Nhưng năm nay, lễ này lại là dịp khá tế nhị vì một thế hệ lãnh đạo mới (Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường) lên cầm quyền mới hơn một năm trong lúc di sản của Mao chia rẽ dư luận Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Có người coi Mao là bạo chúa vì thời kỳ cầm quyền của ông ta đầy bạo lực và làm hàng chục triệu người mất mạng.
Một số khác vẫn coi ông ta là Thánh.
Yếu hơn xưa nhiều
Cuộc tranh luận này không dễ kiểm soát trong thời đại Internet dù đảng cầm quyền đang cố gắng khống chế dư luận.
Ông Tập Cận Bình, tân chủ tịch Đảng đã chính thức tại vị hơn một năm nhưng vẫn đang phải nỗ lực củng cố quyền lực.
Cha của ông, ông Tập Trọng Huân từng là bạn chiến đấu với Mao.
Điều này chắc chắn đã là yếu tố góp phần đẩy ông Tập lên vị trí cao nhất khi phải tranh chấp quyền bính.
Nhưng thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm tại Trung Quốc sau Mao, ông Tập gặp thách thức lớn hơn mọi lãnh đạo tiền nhiệm với chế độ độc đảng.
Sử gia Trung Quốc Dư Anh Thời nói với BBC Tiếng Trung:
“Về chính trị, Mao là nhân vật đầy sức mạnh, thậm chí còn mạnh hơn cả Stalin. Ông ta đã thắng phe Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến, và đem lại tính chính danh cho đảng Cộng sản,”
“Tính chính danh yếu dần đi khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền, và đến nay thì Trung Quốc thực sự không còn một lãnh đạo đầy sức mạnh nữa.”
Khi ông Tập lên nắm chức chủ tịch năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Có hơn một triệu người Trung Quốc thuộc hàng triệu phú đô la, với tài sản ít nhất là 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD).
Quốc gia đông dân nhất hành tinh nay đã thay đổi hoàn toàn diện mạo so với thời Mao.
Và các thuyết của Mao, gồm cả lý tưởng công bằng tối đa coi như đã bị vứt bỏ hoàn toàn vì Đảng Cộng sản nay tin rằng tuổi thọ cho quyền lực của họ dựa vào khả năng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Nhưng Chương Lập Phàn, một sử gia chuyên về Trung Quốc đương đại nói Đảng không thể bỏ hẳn Mao.
“Di sản thực của Mao chính là thể chế mà ông ta lập ra. Các thế hệ lãnh đạo sau chỉ có nhiệm vụ bảo vệ di sản đó. Và để làm vậy, họ phải bảo vệ chính Mao hay hình ảnh ông.”
Tôn thờ nửa vời
Ngay sau khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình đã có những động tác tỏ ra hâm nóng lại hình tượng Mao Trạch Đông.
Tháng 8 năm nay, ông Tập đến thăm ngôi làng nơi Mao ra lệnh cho Giải phóng quân mở chiến dịch tấn công ‘giải phóng’ thủ đô Bắc Kinh năm 1949.
Tại đó, ông Tập nói, ‘quốc gia chúng ta sẽ không đổi màu đỏ’.
Nhưng mặt khác, ông Tập lại không dựng lại chủ nghĩa Mao, theo Sidney Rittenberg, cựu đảng viên cộng sản Trung Quốc năm nay 92 tuổi, người từng hoạt động cạnh Mao.
Ông Rittenberg trong bài viết cho BBC đã nói rằng “chính sách của Tập Cận Bình hoàn toàn ngược lại với quan điểm kinh tế Maoist”.
Sinh nhật 120 năm của Mao là một bài toán khó cho ông Tập vì làm lễ to quá lại chỉ gợi ra những trái ngược trong quan điểm chung về Mao.
Tin tức nói Đảng Cộng sản ra lệnh giảm bới các lễ lạt dự kiến tổ chức vào ngày 26/12 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Buổi lễ sẽ không còn cái tên ‘Đông phương hồng và Mao Trạch Đông đỏ chói’ mà được đổi thành ‘Ngợi ca tổ quốc vĩ đại’.
Tuy thế, lễ sinh nhật Mao vẫn là dịp quá quan trọng mà ông Tập không thể bỏ quên.
Chương Lập Phàn nói:
“Các lãnh đạo hiện thời biết rằng làm sinh nhật Mao quá to sẽ khiến người ta không thoải mái nên họ chọn cách làm nửa vời.”
“Họ không muốn dư luận đào sâu trở lại vào các tội ác của Mao, nhưng cũng không muốn phe Maoist lại trở nên có nhiều ảnh hưởng,”
Hình bóng Mao và ‘sức mạnh’ của ông vì thế vẫn tiếp tục phủ bóng ở Trung Quốc 37 năm sau ngày ông ta qua đời.
Bài viết của phóng viên Dong Lee đã đăng trên trang bbcchinese.com.
Theo BBC