Tinh Hoa

Thanh trừng chú dượng: Điều gì đang chờ đợi ông Kim Jong-un?

Trong bài viết đăng tải trên trang mạng ngày 24/12, hãng tin BBC cho biết vụ thanh trừng chú dượng của ông Kim Jong-un giống như là một vở kịch. Nó xảy ra 2 năm sau khi nhà lãnh đạo trẻ lên cầm quyền, với lý do ông chú dượng dám ông mưu chống lại cháu mình. 

 
Ông Kim Jong-un trong buổi lễ tưởng niệm 2 năm ngày mất của cha vào tháng này.
Vẻ mặt khó chịu

 

Theo BBC, một câu chuyện tàn bạo được truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin tường tận đã thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng bao nhiêu phần trăm là sự thật? Và câu chuyện này hé lộ điều gì về nội tình của gia đình ông Kim đang năm quyền ở Triều Tiên?

 

Ngồi trên lễ đài dưới chân dung khổng lồ của người cha quá cố đang mỉm cười, ông Kim Jong-un mang một vẻ mặt mà người khác không thể không để ý thấy. Ngồi phịch xuống ghế, ánh mắt chùng xuống và môi bậm lại, dường như ông đang quắc mắt nhìn đám cận thần đang đứng vỗ tay. Dĩ nhiên là có nhiều lý do để ông buồn. Đó là lúc Kim Jong-un đang tưởng nhớ người cha đã qua đời hai năm trước.

 

Nhưng liệu có phải nỗi đau buồn làm cho vẻ mặt ông khó chịu như thế hay là nỗi căm hờn người dượng đã mưu phản ông? Đó có phải là dấu hiệu cảnh cáo đối với đám đông đứng dưới kia? Hoặc có khi nào đó là nỗi sợ? Linh cảm rằng hàng hàng lớp lớp đám thuộc hạ ngoài mặt trung thành nhưng bên trong che giấu nhiều âm mưu?

 

Theo BBC, có lẽ đó là dấu hiệu tuyệt vọng cho thấy việc xử tử ông chú dượng Jang Song-thaek, suy cho cùng, không phải là do Kim Jong-un làm. Đây cũng có thể là dấu hiệu nhà lãnh đạo trẻ 30 tuổi trong tay nắm vũ khí hạt nhân thật sự không hề nắm quyền ở đất nước này.

 

Điểm yếu hay sức mạnh?

 

Vụ thanh trừng chú dượng ông Kim Jong-un đã gây sốc lớn. Người Triều Tiên được thông báo nhân vật từng được xem là quyền lực thứ hai nước này, chú dượng của nhà lãnh đạo của họ, là kẻ phản bội, kẻ đã xây dựng một đảng phái bên trong chính quyền.

 

Nhiều người cho rằng việc chính quyền Triều Tiên công khai rầm rộ về mối đe dọa nội bộ này thể hiện điểm yếu của họ, khiến cho một số người có cảm giác cơ quan đầu não của Triều Tiên đang bất ổn. Báo chí mô tả tỉ mỉ những cáo buộc chống lại ông Jang – từ chuyện âm mưu đảo chính cho đến xem hinh ảnh đồi trụy rồi “vỗ tay không thật lòng” khi Kim Jong-un lên nắm quyền.

 

Sun Mu, trước đây từng là nghệ sỹ tuyên giáo trong quân đội Triều Tiên được BBC dẫn lời cho biết, điều đọng lại trong đầu ông mạnh nhất về tuyên bố bắt giữ ông Jang là cách thông báo của Triều Tiên. “Câu chữ dường như được viết vội vàng, lộn xộn và không thật sự được cân nhắc kỹ lưỡng. Dường như chúng được viết ra để khẳng định tính chính đáng.” – ông cho hay.

 

Trong khi đó, Giáo sư Paik Hak-soon ở Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul nói rằng cách đưa tin của truyền thông Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy sức mạnh chứ không phải điểm yếu của chế độ.

 

Ông cũng cho rằng ý kiến có chia rẽ nghiêm trọng trong giới chóp bu Triều Tiên là sai lầm.“Bình Nhưỡng không bao giờ công khai những chia rẽ trong nội bộ cấp cao của họ như thế này nếu nó thực sự là mối nguy của chế độ,” ông bình luận.

 

Ông Paik cho rằng vấn đề chỉ đơn giản là đã đến lúc ông  Jang Song-thaek, vốn có tiếng là tham vọng và kiêu ngạo, phải chấm dứt vai trò người dẫn dắt và rằng quyền lực của ông đã trở nên quá lớn.

 

Và cũng có nhiều tin đồn ghê rợn hơn chưa được kiểm chứng về việc tại sao ông Chang sụp đổ, trong số đó là việc ông ta có quan hệ tình ái với phu nhân của Kim Jong-un.

 

Cáo trạng dàn dựng?

 

Kim Seong-min, một người Triều Tiên đào tẩu từng làm việc trong bộ phận tuyên truyền của quân đội Triều Tiên hiện đang sống ở Seoul, nói ông không tin cáo trạng ông Jang mà truyền thông Bình Nhưỡng đưa ra là lý do thật sự đằng sau sự thanh trừng ông này.

 

“Những việc như vậy chúng ta đã biết nhiều,” ông nói, “Tôi nghĩ ông Jang ắt hẳn đã làm điều gì đó khiến Kim Jong-un thật sự nổi điên.”

 

Có thật sự là đã có âm mưu tạo phản? Theo BBC, có vẻ đây là một giả thiết hợp lý giải thích tại sao Bình Nhưỡng trong vụ việc Jang Song-thaek lại không hành xử như cách xưa nay họ vẫn làm: họ cáo buộc tội làm phản để che giấu tội lỗi thật sự – đây là một chiến lược mạo hiểm đối với một chế độ duy trì quyền lực bằng sự trấn áp.

 

Nhưng nếu thật sự ông Jang đã mưu phản thì với vị trí cao của ông, vụ việc sẽ còn gây sóng gió trong nhiều tuần nữa.

 

Có lẽ đó là lý do ông Kim Jong-un có vẻ mặt không lấy làm vui như thế. Nhưng một lần nữa, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy ông là người ra quyết định hành quyết Jang Song-thaek.

 

Những nhà quan sát tình hình Triều Tiên chia làm hai trường phái: những người tin rằng Kim Jong-un đang thật sự nắm quyền và những người khác cho rằng ông ta chỉ là con rối bị một thế lực nào đấy, như quân đội, giật dây.

 

Ông Michael Madden, người chuyên theo dõi các nhân vật cấp cao của Triều Tiên, lưu ý rằng giới lãnh đạo quân sự được xếp đứng bên phải Kim Jong-un trong buổi viếng Kim Jong-il vào tháng này.

 

Ông Kim Jong-un và vợ đứng có chủ ý phía trước mọi người và cả bộ trưởng quốc phòng cùng tổng tham mưu trưởng quân đội có vẻ như ngày càng được tăng ảnh hưởng dưới thời nhà lãnh đạo trẻ.

 

Trong suốt 2 năm ông nắm quyền, có nhiều ví dụ chứng tỏ quân đội đã được ưu tiên hơn kinh tế: như việc đóng cửa khu công nghiệp tại Kaesong, mối hợp tác duy nhất với Hàn Quốc, hủy thỏa thuận viện trợ với Mỹ bằng một vụ phóng tên lửa tầm xa và làm “mất mặt” Trung Quốc khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần ba.


Sóng gió phía trước?

 

Câu hỏi ai thực sự nắm quyền ở Triều Tiên hiện gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh thông tin về Triều Tiên rất hiếm hoi, không ai biết câu chuyện thực sự đằng sau đó là gì. Nhưng điều thể hiện rõ nhất ở cả hai miền Triều Tiên là sự bàng hoàng.
 
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng có khả năng Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích mà theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là nhằm “đánh lạc hướng dư luận”. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết khả năng 100% Triều Tiên sẽ có khiêu khích trước tháng 4 năm tới.

 

Thời gian sẽ trả lời, nhưng với vẻ mặt ông Kim Jong-un như vậy, giới phân tích cho rằng sóng gió vẫn còn ở phía trước.

 

Vũ Quý

Theo BBC

Nguồn: Dân Trí