Tinh Hoa

Phát hiện khảo cổ mới về bàn tay của loài người

Phát hiện khảo cổ mới tại Kenya cho thấy sự phát triển của loài người sớm hơn rất nhiều so với những tài liệu trước đây.

Việc tìm thấy một mảnh xương cổ đại ở một ngôi mộ tại Kenya cho thấy con người đã phát triển sự khéo léo của bàn tay sớm hơn nửa triệu năm so với các nghiên cứu trước đây. Nói ngắn gọn, mảnh xương bàn tay kết nối với xương ngón giữa này được bảo quản rất tốt và giống hệt xương người hiện đại.


Quá trình hình thành mấu ở xương bàn tay có thể dễ dàng nhìn thấy trong mảnh xương hóa thạch ở Kaitio

Đây là bằng chứng hóa thạch lâu đời nhất về thời điểm con người phát triển bàn tay đủ khỏe để có thể sử dụng các công cụ. Loài vượn không có những đặc điểm giải phẫu này. Mảnh xương có niên đại 1.42 triệu năm tuổi này cho thấy quá trình phát triển mấu đầu xương, một đặc điểm giải phẫu riêng biệt chỉ có ở loài người. Phát hiện này cung cấp bằng chứng cho thấy quá trình tiến hóa của loài người sớm hơn 600 nghìn năm so với các tài liệu trước đây và đặt nó vào cùng thời với loài Homo erectussensu lato.

 

Mấu xương này giúp xương bàn tay bám chắc hơn với xương cổ tay, từ đó giúp tạo ra lực nắm lớn hơn cho các ngón tay. Giáo sư Ward và các cộng sự cho biết rằng việc không có các mấu xương này làm loài vượn và các giống người nguyên thủy gặp khó khăn khi chế tác và sử dụng công cụ.


Mấu xương hình thành giúp con người dễ dàng hơn trong việc sử dụng các công cụ lao động.

 

Giáo sư Carol Ward (Đại học Missouri), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Mấu xương này cho thấy sự khéo léo đã giúp cho các giống người nguyên thủy cầm nắm một cách chắn chắn và chính xác khi sử dụng các vật dụng. Đó là điều mà các giống loài trước đó không thể làm tốt được do thiếu mấu xương nhỏ này và các thành phần liên quan. Với phát hiện này, chúng ta đang lấp dần các khoảng trống trong lịch sử tiến hóa của bàn tay con người. Đây có thể không phải lần xuất hiện đầu tiên của bàn tay người hiện đại, nhưng chúng tôi tin rằng nó rất gần với nguồn gốc xuất hiện, do chúng tôi không thấy đặc điểm này trong các hóa thạch người có niên đại trên 1.8 triệu năm”. Bà cho biết thêm: “Bàn tay khéo léo và chuyên biệt hóa này đã song hành với phần lớn quá trình tiến hóa của giống loài chúng ta, người Homo. Nó là thứ không thể thiếu trong quá trình sinh tồn của loài người trong suốt gần 1.5 triệu năm qua”.

 

Mảnh xương được tìm thấy ở khu vực Kaitio, phía Tây Turkana, nơi các công cụ sớm nhất của loài người được tìm thấy. Đó là các công cụ bằng đá được tạo tác, bao gồm cả những chiếc rìu, có tuổi thọ hơn 1.6 triệu năm.

 

Phan Hạnh Theo Phys News

Nguồn: Dân Trí