Tinh Hoa

50 tỷ USD phát triển hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mekong

Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan; tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc đã nhất trí xây dựng một danh mục các dự án có tiềm năng với tổng vốn đầu tư 50 tỷ USD.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội ngày 12.12 cho biết, các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan; tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc đã nhất trí xây dựng một danh mục các dự án có tiềm năng với tổng vốn đầu tư 50 tỷ USD trong một Hiệp định Khuôn khổ đầu tư khu vực (RIF) mới, bao gồm cả các khoản đầu tư vào những lĩnh vực phi truyền thống như đường sắt và các dự án đa lĩnh vực từ nay đến năm 2022. 

Ông Stephen Groff – Phó Chủ tịch của Ngân hàng Phát triển châu Á, cơ quan đóng vai trò Ban Thư ký của GMS (Tiểu vùng sông Mekong mở rộng), phát biểu: “Hoàn thiện các kết nối giao thông còn thiếu vẫn là trọng tâm của Chương trình GMS, tuy nhiên củng cố kiến thức và các cơ sở hạ tầng mềm như phát triển kỹ năng, tạo thuận lợi thương mại và cùng quản lý các hàng hóa công cộng trong khu vực cũng là những ưu tiên của chương trình”.

Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong có cơ hội bứt phá nhờ các gói hỗ trợ phát triển.


Hiệp định RIF bao gồm các dự án đầu tư và các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong Tiểu vùng sông Mekong được tất cả các nước GMS chuẩn bị. 

Kể từ hội nghị bộ trưởng năm 2012, Tiểu vùng đã đạt được những tiến bộ đáng kể với việc ký hai thỏa thuận về thiết lập Hiệp hội Vận tải đường sắt Tiểu vùng Mekong mở rộng và Trung tâm Điều phối điện năng khu vực. Các nguồn vốn đã được đảm bảo cho giai đoạn 2 của Chương trình Hỗ trợ nông nghiệp trọng tâm, Chương trình Môi trường trọng tâm và sáng kiến các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học. 

Trung Quốc và Việt Nam cũng đã ký một thỏa thuận về phát triển các khu hợp tác kinh tế biên giới. Một cây cầu mới nối liền giữa Lào và Thái Lan đã hoàn thành, đem lại kết nối cuối cùng còn thiếu, đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến hành lang kinh tế Bắc-Nam của GMS. 

Tham vọng của Chương trình GMS là chuyển đổi các hành lang giao thông thành những hành lang kinh tế mang đầy đủ ý nghĩa, góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các quốc gia, kích thích tăng trưởng và việc làm. Hiệp định cũng tập trung vào nhu cầu đầu tư để hỗ trợ các nước thành viên xây dựng năng lực đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp, thúc đẩy an toàn thực phẩm và an ninh. 

Theo danviet