Các nguồn tin của báo giới Hàn Quốc cho biết, từ nhiều tháng qua, Triều Tiên đã bắt đầu bán lượng lớn vàng dự trữ cho Trung Quốc nhằm ngăn ngừa khủng hoảng kinh tế. Ước tính lượng vàng dự trự của nước này vào khoảng 2000 tấn.
Thông tin được hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đăng tải dẫn các nguồn tin thông thạo tình hình Triều Tiên.
Việc bán vàng này có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế, mà các nguồn tin của Yonhap miêu tả là “sự sụp đổ về kinh tế” khó tránh, bởi Bình Nhưỡng đã đi ngược lại mệnh lệnh của nhà sáng lập đất nước Kim Nhật Thành, đó là không bao giờ bán đi vàng của đất nước.
“Kể từ vài tháng trước, Triều Tiên đã bắt đầu bán vàng của mình”, một nguồn tin giấu tên cho biết. “Việc bán vàng ra nước ngoài là một chỉ dấu cho thấy liệu kinh tế Triều Tiên có đang trong khủng hoảng hay không”.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên bán vàng kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời, các nguồn tin cho biết thêm.
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên nắm giữ khoảng 2000 tấn vàng trong kho dự trữ, với trị giá ít nhất 8 tỷ USD.
Tình hình kinh tế Triều Tiên được nhận định còn xấu đi sau sự việc ông Jang Song-thaek, chú của ông Kim Jong-un bị sa thải, bởi đây là người quản lý toàn bộ các dự án kinh tế với nước ngoài, một nguồn tin khác cho hay.
Nếu kinh tế Triều Tiên sụp đổ, sự hợp tác của nước này với Hàn Quốc có thể tăng lên, nhưng nó cũng làm gia tăng rủi ro có khiêu khích quân sự chống lại Hàn Quốc, các chuyên gia cho biết.
Hồi tháng 1 năm nay, tờ Chosun của Hàn Quốc cũng từng đưa tin việc Triều Tiên đã bán hơn 2 tấn vàng cho Trung Quốc trong năm 2011 để lấy 100 triệu USD. Đây là điều chưa từng xảy ra dưới thời ông Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Theo tờ báo này, “một cơ quan bí mật được biết đến với cái tên Phòng 39, chịu trách nhiệm quản lý tiền của ông Kim Jong-un, và Các lực lượng vũ trang nhân dân đã đi đầu trong việc xuất khẩu vàng”, một nguồn tin tại Trung Quốc cho biết.
“Họ không chỉ bán vàng được sản xuất từ tháng 12 năm ngoái, khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, mà cả vàng trong kho dự trữ của đất nước và vàng mua từ người dân”, Choun khẳng định.
Nền kinh tế tiêu điều
Theo một bản báo cáo của ngân hàng trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên trong năm 2012 tăng trưởng 1,3% và là năm thứ hai liên tiếp kinh tế nước này tăng trưởng. Đây cũng là tốc độ phát triển nhanh nhất từ năm 2008.
Dù vậy, quy mô của kinh tế Triều Tiên vô cùng nhỏ, với GDP chỉ khoảng 30 tỷ USD, chưa bằng 3% GDP của Hàn Quốc. GDP bình quân đầu người của nước này vào trong khoảng 1000 – 2000 USD. Khoảng 2,8 triệu người dân nước này vẫn thường xuyên phải đối mặt với thiếu hụt lương thực, các báo cáo của Liên hợp quốc cho biết.
Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã cho thấy những thay đổi so với chính sách của cha, người vốn ưu tiên ổn định chính trị với chính sách quân đội trước nhất. Thay vào đó ông Kim Jong-un chú ý nhiều hơn đến tăng trưởng đi đối với phát triển năng lực hạt nhân.
Tháng trước, Triều Tiên đã công bố kế hoạch thành lập 14 đặc khu kinh tế ở khắp đất nước, một bước đi chưa từng có tiền lệ tại quốc gia này. Bình Nhưỡng cũng đã sửa đổi các chính sách và luật pháp liên quan đến khu kinh tế hồi đầu năm, cho thấy rõ mục tiệu tạo ra các trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu và công nghệ cao để thúc đẩy tăng trưởng.
Nước này thậm chí cũng đã nỗ lực thu hút nhà đầu nước ngoài tư bằng việc tổ chức một hội thảo đầu tư tại Bắc Kinh. Ngoài ra, việc khai trương khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đèo Masik, gần thành phố biển Wonsan, cũng có thể xem như một sự mở rộng khát vọng thu hút du khách nước ngoài.
Các nhà đầu tư hiện đã được thuê đất với thời hạn tới 50 năm, được đảm bảo quyền nắm giữ tài sản và chuyển lợi nhuận về nước, cũng như được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hệ thống kinh tế của Triều Tiên giờ vẫn còn giống như kinh tế Trung Quốc cuối những năm 1980. Và thay đổi thực sự chỉ đến nếu lãnh đạo nước này sẵn sàng đi theo một đường lối nhất quán, hướng tới tự do hóa và áp dụng các biện pháp có thể làm tăng năng suất lao động và tinh thần kinh doanh.
Họ tin rằng, với việc Bình Nhưỡng bị hạn chế về các nguồn lực sẵn có, các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên những khu vực cần được chi tiền và thực hiện cải cách lĩnh vực tài chính. Điều đó cũng có nghĩa là giảm bớt chi tiêu cho quân đội.
Tổng hợp
Nguồn: Dân Trí