Bài báo đã điểm tên các đối thủ của tàu Liêu Ninh ở Biển Đông và chỉ ra một phần chiến thuật tác chiến của con tàu này, răn đe vũ lực trên mặt báo.
Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 29 tháng 11 có bài viết cho rằng, việc tàu sân bay Liêu Ninh được Hải quân Trung Quốc điều đến Biển Đông theo mô hình biên đội đã gây sự chú ý cho dư luận. Bài báo đặt câu hỏi: Tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông rốt cuộc có ý nghĩa gì? Nó sẽ gặp những đối thủ như thế nào?. Cỗ máy truyền thông của Trung Quốc tự đặt ra những “đối thủ” trong hoạt động tuyên truyền của mình.
Theo bài báo, Biển Đông là một vùng biển rộng lớn, nhưng lại là một trong những vùng biển có diện tích tranh chấp (bất hợp pháp) lớn nhất giữa Trung Quốc với các nước láng giềng (Trung Quốc chủ trương chủ quyền bất hợp pháp, không có bất cứ căn cứ lịch sử, pháp lý, khoa học nào). Mặc dù chưa hình thành sức chiến đấu, nhưng bài báo lại cho rằng, tàu Liêu Ninh xuất hiện đã “làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở khu vực Biển Đông”.
Bài báo tự tin khẳng định, cụm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh có hỏa lực kiểm soát trên không, trên biển mạnh, có thể tấn công và có thể phòng thủ, cự ly xa thì sử dụng máy bay chiến đấu tiến hành tấn công, ở gần thì dùng tàu hộ tống (tàu khu trục, tàu hộ vệ).
Theo lý luận ngang ngược không thể chấp nhận của bài báo, “trước đây, Không quân Trung Quốc hàng năm không thể duy trì “tuần tra bình thường trên Biển Đông“, cho dù Không quân Trung Quốc đã sớm thực hiện phối hợp giữa máy bay tiếp dầu H-6 với máy bay chiến đấu J-8 để tuần tra, nhưng hoạt động tuần tra này chỉ thích hợp với bay đến quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, TQ dùng vũ lực cưỡng đoạt, hoạt động này là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam), còn quần đảo Trường Sa ( chủ quyền của Việt Nam) ở xa thì máy bay Trung Quốc cơ bản “không thể tuần tra bình thường”.
“Tình hình này đến nay vẫn chưa được cải thiện, dù sao về vị trí địa lý, khu vực này rất xa, Không quân Trung Quốc ở đất liền không thể với tới”.- Bài báo tiếp tục luận điệu cùn.
Máy bay chiến đấu J-15 Phi Sa cất cánh từ tàu sân bay (tưởng tượng) |
Bài báo lấy máy bay chiến đấu J-11 mới trang bị của Trung Quốc làm ví dụ, cho rằng, hành trình tối đa của máy bay này là 3.790 km. Loại máy bay này được cho là thuộc thế hệ thứ ba, coi như bay rất xa. Nhưng, quần đảo Trường Sa của Việt Nam cách đảo Hải Nam gần nhất của Trung Quốc cũng đã lên tới khoảng 3.000 km.
Theo đó, bài báo cho rằng, khoảng cách như vậy làm cho các máy bay chiến đấu chủ lực hiện có của Trung Quốc “tương đối vất vả”. Cho dù được tiếp dầu trên không có thể vươn tới quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam), thì nhiều nhất cũng chỉ có thể “tuyên bố chủ quyền” (bất hợp pháp), căn bản không thể “tuần tra bình thường” và bảo đảm “an ninh lãnh hải” có hiệu quả.
Bài báo cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh là một trang bị di động trên biển, có thể tùy ý di động “sân bay trên biển”, như vậy đã gia tăng khoảng cách tấn công và tuần tra, đồng thời có thể bảo đảm di chuyển bất cứ lúc nào. Ngoài ra, máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh cũng có hành trình lớn, đã nâng cao hiệu suất sử dụng ở khu vực Biển Đông. Bài báo tự tin khẳng định, đối với Biển Đông, tàu sân bay Liêu Ninh xuất hiện đã “gây ảnh hưởng to lớn”.
Bài báo coi tàu sân bay Liêu Ninh là chủ lực trong chiến tranh trên Biển Đông tương lai, đồng thời đã chỉ thẳng những đối thủ của nó ở khu vực này, trong đó có Không quân Việt Nam.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2V của Việt Nam |
1. Không quân Việt Nam
Bài báo cho rằng, Việt Nam có một lực lượng không quân thực lực mạnh, do khu vực Biển Đông cách lãnh thổ Việt Nam tương đối gần, Không quân Việt Nam chiếm ưu thế “địa lợi”. Đồng thời, Việt Nam có một lực lượng máy bay chiến đấu ném bom dòng Sukhoi chính hãng, uy lực nhất là máy bay chiến đấu tấn công Su-30MK2, khi nó thực hiện nhiệm vụ chống hạm, nó có thể lắp tên lửa chống hạm Kh-31, tên lửa chống hạm tầm xa bay lướt biển tốc độ cận âm (chưa bằng tốc độ âm thanh) và tên lửa dòng 3M-54.
Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng tàu ngầm mới – mua 6 tàu ngầm lớp Kilo “lỗ đen đại dương” của Nga. Những tàu ngầm này trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm. Ngư lôi và tên lửa chống hạm của tàu ngầm lớp Kilo là mối đe dọa chí tử đối với tàu chiến mặt nước cỡ lớn. Đặc biệt là loại tàu này trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Club-S. Hệ thống này lắp tên lửa chống hạm phóng ngầm 3M14E Club, phóng từ ống phóng ngư lôi 533 mm, tầm bắn tối đa gần 300 km.
Trong khi đó, tính năng của tên lửa chống hạm siêu âm 3M54E1 tiên tiến hơn, tên lửa này có tốc độ nhanh, nhất là khi bay gần tới mục tiêu trên mặt biển khoảng 3-5 m, đầu đạn tấn công với tốc độ 1 km/giây, kẻ thù rất khó đánh chặn. Những tên lửa này trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với tàu chiến mặt nước cỡ lớn của kẻ thù. Nếu tàu ngầm Việt Nam có thể mai phục trước trên đường đi của tàu sân bay Liêu Ninh, thì nó có thể sẽ trở thành mối đe dọa chí tử đối với tàu Liêu Ninh.
Tàu ngầm diesel lớp Kilo Nga chế tạo cho Việt Nam sắp về nước bảo vệ chủ quyền |
2. Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ
Do Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, để ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, các tàu sân bay Mỹ như USS George Washington, USS John C Stennis, USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln thường xuyên tuần tra Biển Đông.
Trong thời gian trước đây, một số tàu sân bay có thể tiến hành hoạt động “không nể nang ai”, nhưng nếu tàu sân bay Liêu Ninh có thể “triển khai bình thường ở Biển Đông”, thì khi đó Mỹ “đừng hòng hoạt động thuận lợi như vậy” (!?).
Mặc dù lời lẽ đao to búa lớn như vậy, nhưng theo báo Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh nếu có chiến đấu với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, thì phía Trung Quốc sẽ gặp bất lợi và bị thiệt hại. Bởi vì, tàu sân bay lớp Nimitz có thể mang theo nhiều nhất trên 50 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, trong khi đó tàu sân bay Liêu Ninh chỉ có thể mang theo nhiều nhất 24 máy bay chiến đấu J-15 Phi Sa, như vậy số lượng máy bay chiến đấu của tàu sân bay Trung Quốc ít hơn rất nhiều của Mỹ.
Đồng thời, người Mỹ còn có tới 10 chiếc tàu sân bay lớp này, trong khi Trung Quốc chỉ tạm thời có 1 chiếc tàu sân bay Liêu Ninh, khi bị tiêu diệt thì chẳng còn cái gì. Vì vậy, so sánh về số lượng, Trung Quốc tạm thời cũng không chiếm ưu thế và có khoảng cách rõ rệt với Mỹ.
Cụm tấn công tàu sân bay USS George Washington của Hải quân Mỹ |
Ngoài ra, máy bay trên tàu sân bay Mỹ đã sử dụng máy phóng hơi nước C-13 để cất cánh, còn máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh chỉ có thể tiến hành cất cánh kiểu nhảy cầu, thường chỉ sử dụng cho chiến đấu kiểm soát trên không ở cự ly trung bình và gần, không thể duy trì thời gian hoạt động trên không có hiệu quả.
Hơn nữa, khả năng mang theo tên lửa chống hạm cũng chỉ có 2 quả YJ-83 có thể tiến hành nhiệm vụ chống hạm cự ly gần. Còn máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet một lần có thể mang theo 4 quả tên lửa chống hạm tầm xa Harpoon, thực lực mạnh hơn nhiều máy bay Trung Quốc.
Đồng thời, quân Mỹ sở hữu khả năng do thám cảnh báo sớm mạnh, họ trang bị máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye có thể thực hiện các nhiệm vụ của hải quân ở độ cao 9.150 m, trong mọi điều kiện thời tiết. Đồng thời, có thể dò tìm các loại máy bay ở khoảng cách 556 km. Khả năng bám theo các mục tiêu và xử lý tốc độ cao tự động làm cho mỗi chiếc E-2C có thể đồng thời theo dõi hơn 2.000 mục tiêu, đồng thời kiểm soát hơn 40 nhiệm vụ chặn đánh trên không.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh hiện chỉ sử dụng máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 để tiến hành cảnh báo sớm, radar của máy bay Ka-31 có thể dò tìm các mục tiêu nhỏ trên không ở cự ly 110-115 km. Do đó, về khoảng cách dò tìm, khả năng của nó kém hơn nhiều so với máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye của Mỹ.
Máy bay cảnh báo sớm E-2C của tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Nimitz CVN 68 trên Biển Đông tháng 5 năm 2013. |
3. Hải quân Philippines
Theo bài báo, khi đối mặt với Hải quân Philippines, tàu sân bay Liêu Ninh có “ưu thế mang tính áp đảo”. Tàu chiến lớn nhất, có hỏa lực mạnh nhất của Hải quân Philippines là tàu hộ vệ BRP Rajah Humabon, PF-11.
Con tàu này là tàu hộ vệ lớp Cannon, có thể thấy tàu lớp này sớm đã lạc hậu. Tàu này có tốc độ tối đa là 18 hải lý/giờ, thậm chí không bằng tàu thương mại hiện đại, khả năng chạy liên tục còn không bằng một số tàu tên lửa.
Tàu này trang bị 3 pháo trần 76 mm Mk22, xạ thủ lộ ở bên ngoài, không được bảo vệ bằng bọc thép cơ bản, 3 pháo phòng không 2 nòng cỡ 40 mm Bofors, 6 pháo phòng không cỡ nòng 20 mm Oerlikon, 4 khẩu súng máy 12,7 mm, đều là tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hỏa lực không đầy đủ để tham gia chiến tranh trên biển hiện đại. 1 máy phóng tên lửa săn ngầm M10 và 8 bệ bắn bom phá tàu ngầm, những trang bị nêu trên không sử dụng phù hợp với chiến tranh trên biển hiện đại.
Tàu chiến chủ lực lớn nhất, tiên tiến nhất BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines là tàu tuần tra lớp Hamilton cũ mua của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, trước đây đã được Mỹ sử dụng 44 năm, sau cải tạo tuy được nói là “mạnh vô cùng“, nhưng đây vốn là một tàu khu trục nhỏ (khinh hạm, tàu tuần phòng), cơ bản không phải thể coi là tàu chiến chủ lực gì.
Tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar lớp Hamilton, Hải quân Philippines mua của Mỹ |
Đã là tàu khu trục nhỏ như vậy, nhưng, trước khi bàn giao cho Philippines, Mỹ còn tiến hành “thiến” trang thiết bị của nó – dỡ bỏ toàn bộ trang bị điều khiển hỏa lực radar của tàu này.
Hơn nữa, các tàu chiến khác của Hải quân Philippines còn cũ hơn, những tàu cũ này cơ bản mất đi khả năng tác chiến, phần lớn thời gian để ở cảng cho công chúng tham quan.
Cho nên, bài báo chê bai thậm tệ cho rằng, máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh sẽ không phải sử dụng đến tên lửa chống hạm YJ-83 khi đối mặt với “đống sắt vụn” này, đạn hàng không và đạn tên lửa bình thường đã có thể “tiêu diệt toàn bộ” lực lượng Hải quân Philippines. Vì vậy, trên hướng này, tàu sân bay Liêu Ninh có “ưu thế tuyệt đối“.
4. Hải quân Malaysia
Tàu chiến chủ lực của Hải quân Malaysia là tàu hộ vệ, trong đó uy lực nhất là tàu lớp Lekin lượng giãn nước 2.390 tấn, Malaysia có 2 tàu lớp này. Tàu lớp Lekin là tàu hộ vệ Malaysia mua của Anh, trang bị 16 hệ thống phóng thẳng đứng 16 ống, sử dụng tên lửa phòng không tầm gần Seawolf; 8 quả tên lửa chống hạm MM40 Exocet II, sử dụng 2 bệ bắn 4 nòng.
Ngày 20 tháng 6 năm 2013, tàu tuần duyên USS Freedom Mỹ và tàu hộ vệ KD Jabat của Hải quân Malaysia tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu) |
Khi đối mặt với 2 tàu hộ vệ tiên tiến này, tàu sân bay Liêu Ninh cơ bản sẽ tiến hành tấn công cự ly xa, do Trung Quốc đã tiến hành bắn thử tên lửa chống hạm YJ-83, có thể trực tiếp tấn công đường không đối với tàu hộ vệ lớp Lekin, do tầm bắn tên lửa phòng không của tàu hộ vệ này ngắn, cơ bản không có hiệu quả đối với máy bay chiến đấu J-15. Vì vậy, tàu sân bay Liêu Ninh hoàn toàn “tiêu diệt gọn” 2 tàu chiến chủ lực này của Malaysia, chỉ cần tàu chủ lực bị tiêu diệt thì Hải quân Malaysia sẽ không còn chủ lực.
Bài báo tuyên truyền cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh nếu triển khai lâu dài ở Biển Đông sẽ có thể làm thay đổi cục diện lâu dài ở Biển Đông của Trung Quốc, thậm chí có thể “ra tuyến ngoài tác chiến“.
Hiện nay, nước duy nhất có thể tiến hành phong tỏa biển đối với Trung Quốc là Mỹ, nhìn vào tình hình lâu dài, Mỹ không thể thường xuyên điều vài tàu sân bay hiện diện trên Biển Đông. Nếu họ muốn làm như vậy, họ không có khả năng duy trì như thế mãi.
Đây là do Biển Đông “rất gần cửa nhà” Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc lại “có thực lực“. Trong khi đó, Mỹ phải đi xa mới với tới được, nếu đấu lâu dài thì họ sẽ “được không bằng mất“. Tức là, nếu tàu sân bay Trung Quốc chỉ cần động một chút, họ liền vượt mấy nghìn hải lý đến, đợi họ đến, tàu Trung Quốc đã quay trở về. Đây chính là trò chơi “mèo vờn chuột“.
Tàu ngầm thông thường Scorpene Malaysia, mua của Pháp |
Theo giaoduc