Tinh Hoa

Nghịch lý: Học sinh Việt giỏi khoa học, 50% đào tạo lại

Trong khi kết quả PISA được coi là niềm tự hào của ngành Giáo dục Việt Nam thì nhiều quan điểm lại chỉ ra rằng học sinh Việt Nam thực ra không giỏi thế!
 Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tự hào nói rằng: kết quả PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về thứ hạng của học sinh Việt Nam cao hơn so với các nước phát triển như Anh, Mỹ… đã khẳng định chất lượng giáo dục Việt Nam khi mang quân đi đọ xứ người. 
 
Thứ trưởng Hiển cho rằng, kết quả này là đại diện cho học sinh Việt Nam và nó đã gây bất ngờ cho cả thế giới.
 
Tự hào học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Mỹ
 
Ngày 3/12, chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 vừa công bố kết quả khảo sát, theo đó, học sinh Việt Nam xếp thứ 17 về Toán trên tổng số 65 nước tham gia. Vị trí này cao hơn Mỹ và Vương quốc Anh. 
 
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, rất bất ngờ khi nhận được kết quả khảo sát PISA 2012. Theo đó, OECD đã tiến hành khảo sát hơn 510.000 học sinh ở 65 quốc gia và nền kinh tế về khả năng ở các môn: Toán, Đọc hiểu và Khoa học, trong đó tập trung chủ yếu vào môn Toán.
 
“Khi chấm bài của học sinh Việt Nam, họ bất ngờ nên đã chất vấn chúng ta suốt 2 tháng. Cuối cùng, khi kiểm định tất cả mọi khâu không thấy sai sót, họ đã công bố kết quả với thứ hạng của học sinh Việt Nam cao hơn học sinh các nước phát triển như Anh, Mỹ…. Đó là điều tự hào”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vui mừng chia sẻ. 
 
Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore.
 
Ở môn Toán, học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) dẫn đầu với điểm số trung bình 613. Việt Nam cao hơn mức trung bình (494 điểm) và có thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Anh (494 điểm, xếp thứ 26), Pháp (495 điểm), và Mỹ (481 điểm, xếp thứ 31).
 
Theo đó, đề thi được thiết kế theo khung năng lực, có ma trận, mỗi lĩnh vực có 3 cấp độ. Cấp độ 1 là kiểm tra kiến thức đơn thuần, cấp độ 2 kiểm tra kiến thức phức hợp và cấp độ 3 là yêu cầu học sinh phải vận dụng toàn bộ kiến thức để giải quyết vấn đề liên quan đến thực tiễn. Đề thi không hỏi theo kiểu 1+1=2 mà hỏi nếu có 5.000 đồng đi chợ thì phải tính toán mua những gì để đủ số tiền đó.
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm, kết quả đã đem đến cho ngành Giáo dục niềm tin, đồng thời cũng là cơ sở để thực hiện quá trình đổi mới giáo dục mạnh hơn nữa. 
“Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có nêu giải pháp đột phá là đổi mới đánh giá trong đó có đổi mới các kỳ thi, kiểm tra. Chúng ta sẽ chuyển từ việc kiểm tra học sinh học được gì sang kiểm tra việc vận dụng kiến thức kỹ năng vào thực tiễn. Khảo sát PISA hỗ trợ điều này, từ thiết kế đề thi cho đến cách thức thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển  cho hay.
 
Tuy nhiên, GS Hoàng Tụy cho rằng: có những đức tính hay kỹ năng của con người, PISA không thể kiểm tra được. Kết quả giáo dục của Việt Nam càng lên cao càng sút kém, do mục tiêu đào tạo con người không chuẩn. “Tôi không bất ngờ với kết quả này, tại vì chỗ yếu của giáo dục Việt Nam là từ cấp 3 (THPT) lên tới đại học. Nếu có kỳ kiểm tra quốc tế ở các cấp học đó, chắc chắn Việt Nam sẽ không có kết quả tốt như thế này”.
 
Không biến PISA thành “chương trình hành động”
 
Một nữ tiến sĩ người Việt tại Mỹ cũng đã có email chia sẻ quan điểm về kết quả PISA với bạn bè. Theo vị tiến sĩ này, các nước phương Tây họ không biến PISA thành chương trình hành động như Việt Nam và cách làm của Việt Nam giống như đang đối phó với PISA test.
 
Bức thư viết: “Những con số tưởng chừng hết sức chính xác, khô cứng, nhưng thực tế đâu phải vậy.
 
Thứ nhất, từ trước đến giờ tôi luôn bảo lưu quan điểm về giáo dục phổ thông ở Việt nam. Giáo dục phổ thông ở Việt Nam không phải là tốt, nhưng không quá tệ như mọi người vẫn nói. Vấn đề trong giáo dục Việt Nam là giáo dục đại học, sau đại học và mầm non (early childhood education). Cái này thì yếu, thảm hại luôn.  
 
Nhưng kết quả PISA theo tôi là chưa được chính xác lắm. Các nước như Đức và Mỹ theo tôi biết thì họ tham gia hết sức “thản nhiên”, không có cái gọi là “ủy ban PISA” như Bộ GD&ĐT làm. Họ chọn các cháu tham gia cũng theo đúng quy tắc, không chọn lọc và các cháu không có sự chuẩn bị trước, đến lớp, cô thông báo, bạn….đi làm test, và các cháu làm với tâm lý khảo sát chứ không phải thi lấy điểm. 
 
Các cháu không ý thức được vấn đề PISA quan trọng đến đâu, làm là làm. Hai cái này khác hẳn nhau: khảo sát, điều tra khác với kiểm tra lấy điểm. Các cháu không ai biết dạng bài của PISA, làm hoàn toàn dựa trên kiến thức của mình, biết đến đâu, làm đến đấy, không ăn thua. Nhưng ở Việt Nam, kết quả cao là vì Việt Nam có sự chuẩn bị, chuẩn bị theo đúng kiểu mà xưa nay vẫn làm: lò luyện!
 
Nghĩa là nói theo đúng nghĩa là “thợ thi”, “thợ học”, thi kiểu gì cũng được, điểm lúc nào cũng cao nhưng không có nghĩa là giỏi hơn các nước. Hai điều này hoàn toàn khác nhau”.
 
Không chính xác
 
Trong khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT coi kết quả PISA là niềm tự hào, thì nhiều quan điểm lại chỉ ra điều trái ngược. 
 Trần Thắng – Chủ tịch Viện Văn hóa Việt Nam & Giáo dục (IVCE)
 
Ông Trần Thắng – Chủ tịch Viện Văn hóa Việt Nam & Giáo dục (IVCE), cho rằng: Kết quả kiểm định của PISA không phản ánh chính xác chất lượng giáo dục PTTH vì mỗi quốc gia có cấu trúc hệ thống PTTH khác nhau. 
  Theo thống kê, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp
Ví dụ như Hoa Kỳ thiên về (1) kiến thức xã hội, (2) kỹ năng cá nhân, (3) kỹ năng phản biện, (4) kỹ năng đọc sách; trong khi các nước châu Á học thiên về kiến thức khoa học. Nền tảng PTTH tại Hoa Kỳ giúp cho sinh viên học tốt ở bậc đại học & sau đại học và vững vàng khi vào môi trường làm việc.
 
Có thể cho các em học sinh tuổi 15 thử kiểm tra Toán của PISA để biết năng lực của học sinh Việt Nam so với học sinh quốc tế!
 
Bài kiểm tra có 6 câu với mức độ khó dần
 
Ở Level 6: học sinh Thượng Hải đạt 31%, Hàn Quốc đạt 12%, Nhật đạt 8%, Việt Nam đạt 4% (100 học sinh VN làm bài thì chỉ có 4 học sinh làm đúng kết quả).
 
Thời gian: không tìm được thông tin về thời gian làm bài cho mỗi câu, bài thi của PISA giống kiểu của môn thi SAT bên Mỹ. Theo môn thi SAT thì mỗi câu làm khoảng 30-45 giây.
 
Hơn 50% phải đào tạo lại
 
Nghịch lý học sinh Việt Nam giỏi khoa học nhưng lại có tới 50% phải đào tạo lại sau khi ra trường đã được chỉ ra tại báo cáo của ĐH Harvard (Mỹ) vào năm 2008. 
 
Báo cáo được lấy từ cuộc kiểm tra với 2.000 sinh viên ngành CNTT thực hành kiểm tra, lắp ráp chíp định kỳ và chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ tiếng Anh để được tuyển. 
 
Theo Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) – tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên EuroCham về các vấn đề cụ thể trong môi trường kinh doanh tại VN trong năm 2013 – các doanh nghiệp ngành CNTT ở VN hiện phải đầu tư rất lớn cho đào tạo kỹ năng nghề, tiếng Anh và kỹ năng mềm khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. 
 
Đó là về số lượng. Tình hình càng bi đát hơn khi theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin – Truyền thông quốc gia, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
 
Tình hình cũng không sáng sủa gì hơn đối với một lĩnh vực quan trọng khác là du lịch và nhà hàng – khách sạn. Sách Trắng chỉ rõ: “Ngành du lịch hiện vẫn thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Phần lớn hoạt động đào tạo hiện nay đều do các trung tâm đào tạo triển khai”.
  
Bà Nicola Connolly, Phó Chủ tịch EuroCham 
Bà Nicola Connolly, Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách lĩnh vực nguồn nhân lực và đào tạo, trích dẫn các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ các công ty nước ngoài khẳng định phải đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%. Các doanh nghiệp này cho biết chính việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là lý do lớn nhất khiến họ không thể đầu tư tối đa ở VN và buộc phải tìm một thị trường khác trong khu vực.
 
Theo datviet và news