Tinh Hoa

Rớt nước mắt gia cảnh thủ khoa Ngoại thương

– Biết con đỗ thủ khoa, cô Hà vừa mừng vừa lo. Một mình chị gái Hải đi học ĐH đã vất, nay lại thêm em nữa. Bố em bị dị ứng xi măng phải đi xây, mẹ bị sỏi thận, ốm đau liên miên.


Nguyễn Duy Hải chụp chung với mẹ, cô Lê Thị Hà
(Ảnh: Hữu Hoàn)


Niềm tự hào của mọi người

Sau khi thi, tính toán sẽ được từ 28,5-29 điểm nhưng không nghĩ mình sẽ là thủ khoa, Nguyễn Duy Hải, HS lớp 12A7, Trường THPT Đô Lương I (Nghệ An) tâm sự: “Nhiều lúc, thấy bố mẹ bươn trải lo cho 2 chị em ăn học vất vả, em đã tính nghỉ học để phụ giúp nhà. Nhưng nghĩ lại thì chỉ có con đường học hành mới giúp mình thoát nghèo nên càng quyết tâm hơn”.

12 năm liền, Hải đạt danh hiệu học sinh giỏi, trong đó 2 môn văn, toán luôn đạt điểm cao. Năm học 2010 – 2011, em đạt giải nhất môn toán cấp tỉnh với số điểm tối đa 20/20.

Thế nên khi hay tin bạn ngồi cùng bàn đỗ thủ khoa, Trần Đức Vinh, bạn thân của Hải không hề bất ngờ.

Bởi “bạn học tốt, tích cực tham gia các CLB Toán, Lý, Hóa của trường lại luôn luôn tìm tỏi các dạng bài tập mới để làm. Về tính cách Hải rất hiền, hòa đồng và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người”.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương I cho biết: Ngay từ khi bước vào học nhà trường đã nhận thấy Hải là một học sinh chăm chỉ học tập nên nhà trường đã chú ý động viên giúp đỡ em trong học tập. Kết quả hôm nay của em thực sự là niềm vui lớn của em cùng với nhà trường và quê hương Đô Lương.

Gắng gượng vì con

Mẹ Duy Hải, cô Lê Thị Hà đã gần như òa khóc khi hay tin cậu con trai đỗ thủ khoa trường ĐH mà cô được nghe mọi người nói “là mơ ước của biết bao học sinh” trên cả nước.

Mấy ngày nay, ngôi nhà cấp 4 bé nhỏ của gia đình lúc nào cũng chật kín người trong xóm làng, họ hàng, thầy cô, bạn bè tới chúc mừng Hải và bố mẹ.

Nhưng càng mừng cô Hà lại càng lo. “Chị gái Hải hiện chuẩn bị bước sang năm 3, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Mỗi tháng tằn tiện chi tiêu cũng phải xin nhà 1,5 triệu đồng. Giờ thêm Hải nữa chắc chắn mình phải vay mượn mọi người, mọi nguồn để lo cho cháu”.

Giọng cô Hà ngậm ngùi: “Bố cháu bị dị ứng xi măng mấy năm nay. Biết thế nhưng vẫn phải đi làm thợ xây. Mình bị sỏi thận đã gần 5 năm. Hai vợ chồng sức khỏe yếu song vẫn phải động viên nhau sống, làm việc vì các con”.

Ngoài 4 sào ruộng, mẹ em cũng nấu rượu kiếm thêm tiền nuôi hai chị em ăn học. Nhưng hai vợ chồng bữa làm bữa nghỉ, thu nhập chẳng đáng là bao.

Biết con đỗ ĐH, bố em, chú Nguyễn Duy Bốn dù muốn ở nhà chia vui với mọi người nhưng không thể nghỉ đi xây “vì nghỉ một ngày là mất một ít tiền. Mình đói khổ thế nào cũng được chứ con cái thất học hay đói khổ thì đau lắm, anh ạ”.


Đọc “hạt giống tâm hồn” để nhìn đời thêm sâu sắc

Ngoài thời gian học, giúp đỡ gia đình, cậu học trò xứ Nghệ rất thích đọc các cuốn “Hạt giống cho tâm hồn” và đi dạo.

Duy Hải tâm sự: “Hai việc làm đó giúp em thư giãn và nhận được nhiều kiến thức cuộc sống, thấy yêu cuộc đời hơn”.

Đăng ký vào ngành Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương Hà Nội, mong ước của bạn là sau này sẽ trở thành doanh nhân thành đạt, sau này quay trở về giúp đỡ gia đình và quê hương.

Nhìn thấy được những khó khăn trước mắt, Duy Hải cho biết: “Trước mắt em sẽ cố gắng học thật tốt để giành các suất học bổng để có thể đi du học. Em cũng tính sẽ phải tìm việc làm thêm để phụ giúp bố mẹ”.