Làm việc với HĐND thành phố sáng nay về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thành Chung giải thích sở dĩ bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tăng vọt là do điều kiện vệ sinh môi trường trên địa bàn quận có nhiều hạn chế như kênh rạch ô nhiễm, nhà ven sông nhiều, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh…
Tính đến giữa tháng 7, quận 8 có 327 ca bệnh tay chân miệng (tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2010). Tương tự, bệnh sốt xuất huyết cũng lên đến 306 trường hợp (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Khoảng 30 trường mầm non, nhà trẻ trên địa bàn đã phải đóng cửa để tránh dịch.
Tuyên truyền dịch bệnh đến khu chung cư. Ảnh: Tá Lâm. |
“Trước tình hình dịch bệnh lan nhanh, quận 8 đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Ngay cả khi phát hiện thấy người dân mắc bệnh, Bí thư quận ủy cũng đến tận nơi giám sát. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo sát sao mà dịch vẫn cứ bùng phát”, vị chủ tịch quận thú nhận.
Ông cũng thừa nhận, do chưa thấy hết mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tay chân miệng nên công tác truyền thông đến người dân chưa sâu rộng. Việc triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở một số phường còn chậm và chưa đạt yêu cầu.
Ông Chung kiến nghị UBND thành phố cho phép thành lập lực lượng cộng tác viên phòng chống dịch bệnh ở các phường và cấp kinh phí hỗ trợ; nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều loại thuốc khử khuẩn mới, xây dựng thêm các trạm y tế. Ông cũng đề nghị Sở Y tế kiến nghị với Bộ ngành dọc tăng các trạm y tế phường lên gấp 2 lần hiện nay và nhanh chóng đào tạo nhân viên y tế cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM đánh giá, đóng cửa trường học cũng là một giải pháp nhưng cho thấy quận 8 thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh chưa triệt để.
“Đóng cửa trường học chứng tỏ ngành y tế bất lực. Trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh, dù dịch có phát triển đến thế nào thì y tế cũng phải phối hợp với ngành giáo dục cho thật tốt để không phải đóng cửa trường học”, ông Thọ nhấn mạnh.
Quận 8 có khoảng 26.000 căn nhà trên và ven sông chính là nguyên nhân gây bệnh. Ảnh: Tá Lâm. |
Bác sĩ Thọ cho rằng, kênh gần nhất để truyền thông phòng chống dịch bệnh đến với người dân là trường học. Cô giáo là người trực tiếp gặp gỡ phụ huynh, qua đó tuyên truyền cho dịch. “Tuy nhiên, quận 8 không làm được điều này”, ông nói. UBND quận 8 chỉ thông qua tổ dân phố phát thuốc Cloramin B cho người dân sử dụng là không hiệu quả. Thay vào đó quận nên sử dụng lực lượng chuyên ứng phó thiên tai để phối hợp phường, tổ, khu phố tuyên tuyền, hướng dẫn phòng chống bệnh cho người dân.
“Bệnh chân tay miệng chưa có thuốc đặc trị, do đó công tác truyền thông cộng đồng là quan trọng. Chính quyền địa phương nên tiếp cận từng hộ gia đình và vận động người dân diệt loăng quăng, bảo vệ môi trường…”, bác sĩ Thọ nói.
Cho biết sẽ đưa những kiến nghị của quận 8 trình UBND thành phố, đại biểu HĐND thành phố Huỳnh Công Hùng yêu cầu chính quyền địa phương phải đánh giá, rà soát lại các điểm dịch bệnh trên địa bàn. “Nếu cần thiết, có thể tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tá Lâm