Tinh Hoa

Phẩm màu E 102 được phép sử dụng trong mì ăn liền

Nhiều sản phẩm mỳ gói, bánh, kẹo hiện sử dụng phẩm màu vàng E 102. Ảnh minh họa: Nhật Minh.

Đây là kết luận chính thức của Văn phòng Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam (Codex) đưa ra ngày 21/7, sau nhiều thông tin trái chiều về tác hại của phẩm màu vàng Tartrazine trong mì ăn liền.

Trước đó, mì Tiến Vua bò cải chua của Công ty Masan được quảng cáo không chứa phẩm màu E 102 mà công ty này coi là độc hại. Điều này đã châm ngòi nổ cho “chiến tranh” mì gói vì thực tế rất nhiều sản phẩm của các hãng mì khác, thậm chí của chính Công ty Masan có sử dụng phẩm màu này.

Phẩm màu vàng tổng hợp E 102 hay Tartrazine bị hạn chế sử dụng ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra một số chuyên gia lo ngại, nó có thể gây hiếu động thái quá ở trẻ, gây hen, gây yếu năng lực ở nam giới… Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng vì phẩm màu này không chỉ có trong thực phẩm mà được sử dụng trong nhiều loại bánh, kẹo….

Cũng vì thế, hôm nay Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam chính thức có thông báo khẳng định, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có E 102 đúng hàm lượng.

Để đưa ra khẳng định này, Ủy ban Codex Việt Nam đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia và đã tư vấn trực tiếp với các cơ quan, tổ chức quốc tế về phụ gia thực phẩm tại hội nghị Đại hội đồng Codex thế giới lần thứ 34 vừa được tổ chức tại Thụy Sĩ.

Theo đó, phẩm màu này đã được Ủy ban hỗn hợp chuyên gia về phụ gia thực phẩm quốc tế của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới, cũng như Hội đồng khoa học thuộc Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu nghiên cứu đánh giá nhiều lần. Các bên đều đã thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được là 7,5mg trên mỗi kg thể trọng mỗi ngày.

Ngoài ra, E 102 vẫn nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex (năm 2010). Cho đến nay các nước trong Liên minh châu Âu, Mỹ, các nước trong ASEAN và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E 102 trong chế biến thực phẩm.

Ban kỹ thuật Codex quốc tế về phụ gia thực phẩm đang hoàn thiện các điều khoản quy định mức tối đa của E 102 cho khoảng 80 loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau. Nhiều tiêu chuẩn Codex có nêu rõ mức tối đa trong sản phẩm. Ví dụ, tiêu chuẩn Codex cho mì ăn liền quy định mức tối đa cho E 102 là 300 mg/kg hay trong tương ớt là 100 mg/kg.

Ban kỹ thuật về phụ gia thực phẩm của Ủy ban Codex Việt Nam cũng kiến nghị tăng cường quản lý nhằm đảm bảo việc sử dụng phụ gia nói chung và phẩm màu Tartrazine đúng mục đích và liều lượng.

Năm 2009, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá lại tính an toàn của phẩm màu Tartrazine E 102 theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, ban Hội thẩm kết luận rằng hiện tại không cơ sở dữ liệu để sửa đổi quy định về mức ăn vào hằng ngày chấp nhận được.

Nam Phương