Tinh Hoa

Khó tin những chiêu trốn nghĩa vụ quân sự

Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên hiện nay một số bộ phận thanh niên thiên quen lối sống hưởng lạc, được gia đình cưng chiều từ nhỏ nên tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
 

“Thiên biến vạn hóa”

Mới hơn 8 giờ sáng, địa điểm khám tuyển nghĩa vụ quân sự đợt 2/2011của Trạm y tế phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất đông thanh niên.

Tuy chưa đến giờ khám nhưng không khí bên ngoài “nóng” hẳn lên bởi những cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề này.
 


Điểm khám tuyển nghĩa vụ quân sự đợt 2/2011 trạm y tế phường Định Công

N.Đ.S, người có “thâm niên” trong nhóm cho biết: “Tao có nhiều cách “thoát” lắm. Năm ngoái, 3 ngày trước khi khám, mỗi ngày tao nốc một ly lớn cafe đen và mỗi đêm chỉ ngủ 4 giờ. Kết quả là sau khi khám, ông bác sĩ cho tao về ngay vì huyết áp cứ tăng vùn vụt. Năm nay thì khỏi cần giở chiêu đó vì rảnh quá, tao “luyện chưởng” (chơi game onlin) nên giờ mắt lên 2 đi- ốp rồi!”.

Một “lính mới” vừa thi đại học nhưng… chắc chắn rớt, nên lo lắng: “Nghe bảo vào nghĩa vụ quân sự thì khổ lắm. Mẹ em bảo sẽ ‘lo’ để em không trúng tuyển đợt này”.

Còn theo H.Q. thì để trốn nghĩa vụ quân sự, Q. đã được một “lão làng” bày cho cách chuẩn bị một lượng nước đường vừa đủ để cho vào ống xét nghiệm nước tiểu. Nhờ đó chắc chắn kết quả xét nghiệm Q. sẽ cho ra bệnh đái tháo đường.

Đang bàn chuyện sôi nổi thì V.T, người có thân hình trắng trẻo đang cầm chiếc iphone chơi game lên tiếng: “Tao thì chẳng cần mánh khóe hay ‘lo lót’ gì cả. Mẹ tao đang lo thủ tục cho tao đi du học nước ngoài. Thế là miễn quân sự”.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, thì hiện trong đợt tuyển quân đợt 2/2011 này đã có rất nhiều nam thanh niên đang tuổi sung sức, tràn đầy nhựa sống nhưng tinh thần cống hiến cho đất nước dần bị thui chột khi nghĩ ra hằng trăm thứ bệnh như: cận thị, ốm yếu, suy dinh dưỡng, bệnh nan y, xăm mình… hay xin vào một trường trung cấp chuyên nghiệp nào đó để học tạm, tránh phải đi quân sự.

Cũng có nhiều nhiều đối tượng thanh niên có người quen ở phường thì lại xin vào làm dân quân tự vệ cho phường, quận đang sinh sống “mỗi tháng thức đêm 8 lần trong vòng 4 năm thì vẫn hơn đi tòng quân ròng rã cả 2 năm trời”.

“Phụng sự tổ quốc là nghĩa vụ của đời trai”

Nhìn một lượt xung quanh những nam thanh đi khám nghĩa vụ quân sự, tôi thấy một cậu ít nói ngồi trầm tư ở góc phòng khám.

Tiếp cận, tôi được biết em tên là T.B. Em cho biết gia đình chỉ có mình em. Bố mẹ cũng đã già, em lại là lao động chính của gia đình và đã xin được việc ở một xưởng chế biến đồ dân dụng. Lần này mà trúng tuyển thì cả nhà cũng rất khó khăn. “Nhưng đã làm trai thì phải phụng sự cho Tổ quốc…” – em nói.
 

Đo huyết áp trong kỳ tuyển nghĩa vụ quân sự

Việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự lâu nay luôn tuân theo một quy trình chặt chẽ. Theo nhận định của chúng tôi, tất cả các khâu đều diễn ra trong trật tự, nghiêm túc.

Có nhiều khâu như khám mắt, đo huyết áp, tim mạch… phải tiến hành 2 lượt vào các giờ khác nhau trong cùng một buổi sáng để các bác sĩ có thể đưa ra kết luận chính xác nhất về tình hình thể lực.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số thanh niên hội đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhưng có công ăn việc làm, thu nhập ổn định nên tìm mọi cách để “lách” việc thực hiện nghĩa vụ công dân, trong khi nhiều thanh niên thiếu sức khỏe lại tự nguyện, hăng hái lên đường.

Vì vậy, việc rà soát các trường hợp miễn, giảm trong quá trình tuyển quân của chính quyền và cơ quan quân sự các cấp cần tiến hành sao cho thật chính xác, hợp tình hợp lý.
 

Theo khoản 1, Điều 259 của Bộ luật Hình sự:

“Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc kết án về tội này chưa được xóa án tích thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

K. Bang