Trung Quốc đòi Tây Ban Nha làm rõ việc tòa án nước này ra trát bắt cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và một số cựu lãnh đạo khác vì nghi vấn diệt chủng ở Tây Tạng.
Hôm thứ Ba 19/11, dựa trên nguyên tắc tư pháp quốc tế, Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha đã chấp thuận các lý lẽ mà một số nhóm đấu tranh cho quyền lợi của Tây Tạng đưa ra, rằng các thông tin cho thấy lãnh đạo Trung Quốc có thể đã có vai trò trong nghi vấn diệt chủng ở khu vực Himalaya và cần phải bị bắt để thẩm tra.
Các yêu cầu điều tra tương tự nói chung không có tính thực tiễn, nhưng dù sao cũng đã khiến nhiều nước như Trung Quốc và Israel tức giận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ rằng Bắc Kinh cực lực phản đối quyết định của tòa án Tây Ban Nha.
“Chúng tôi yêu cầu Tây Ban Nha nhìn nhận lập trường của Trung Quốc, thay đổi quyết định sai trái, hàn gắn thiệt hại nghiêm trọng và kiềm chế việc gửi tín hiệu sai lầm tới các lực lượng đòi độc lập Tây Tạng và gây phương hại tới quan hệ Trung Quốc-Tây Ban Nha.”
Một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha nói bộ này không có bình luận gì về phản ứng của Trung Quốc vì đây là vấn đề thuộc phạm vi pháp luật.
Các tổ chức nhân quyền và các nhóm ủng hộ Tây Tạng đã thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh về điều mà họ gọi là chính sách đàn áp ở Tây Tạng, nơi hơn 100 tăng sỹ đã tự thiêu để phản kháng.
Bắc Kinh thì lập luận rằng chính quyền đã hết sức chú trọng phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói nghèo ở khu vực này, đồng thời cáo buộc lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng – Đức Dalai Lama – đang khơi gợi chia rẽ Tây Tạng và Trung Quốc.
Liên quan trách nhiệm
Các nhóm ủng hộ tự do cho Tây Tạng ở Tây Ban Nha đã kiến nghị đòi điều tra không chỉ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân mà cả cựu Thủ tướng Lý Bằng và ba cựu quan chức cao cấp khác.
Những người này bị cáo buộc có hành động “diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tra tấn và khủng bố” người Tây Tạng trong những năm 1980-1990.
Ông Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc “bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và cực lực phản đối”quyết định của tòa Tây Ban Nha.
Ông nói “các phần tử ly khai Tây Tạng” đã sử dụng tin đồn và bôi nhọ, đưa ra các “cáo buộc sai trái” về Trung Quốc.
Tòa Tây Ban Nha tiếp nhận hồ sơ vụ này là vì một trong những nguyên đơn người Tây Tạng lưu vong, ông Thubten Wangchen, có quốc tịch Tây Ban Nha và tòa án Trung Quốc đã không chấp nhận các cáo buộc đưa ra.
Tòa án Tây Ban Nha cũng đồng ý điều tra cáo buộc thực hiện đàn áp ở Tây Tạng đối với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Trung Quốc coi Tây Tạng là một phần “không thể tách rời” của lãnh thổ Trung Quốc và đã cai quản khu vực này từ 1951.
Theo BBC