Tinh Hoa

Tình báo Pakistan đã lobby chính trường Mỹ như thế nào?

– Trong nhiều năm liền, Cơ quan tình báo Pakistan đã rót hàng triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington nhằm bí mật gây ảnh hưởng ở cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hãng Fox News ngày 19/7 dẫn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Cơ quan tình báo Pakistan, Inter-Services Intelligence (ISI) trong nhiều năm liền đã chi hàng triệu đô la cho Hội đồng Kashmir – Mỹ, một tổ chứ phi lợi nhuận ở Washington trong một nỗ lực bí mật gây ảnh hưởng ở cả Nhà trắng và Quốc hội Mỹ.

Điệp viên dưới vỏ bọc từ thiện
 
Các đặc vụ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 19/7 đã bắt giữ Syed Ghulam Nabi Fai, Giám đốc điều hành Hội đồng Kashmir – Mỹ (Kashmiri American Council) và buộc tội ông này làm tình báo bất hợp pháp cho một chính phủ nước ngoài. Dưới sự giám sát của một nhân viên cấp cao Cơ quan tình báo Pakistan, Fai đã quyên góp tiền cho nhiều chiến dịch chính trị, viết các bài bình luận trên báo, tổ chức các chuyến công cán cho nghị sỹ quốc hội và gặp gỡ các quan chức Nhà trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Một cuộc biểu tình ủng hộ Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) tại Islamabad ngày 11/5/2011

 

“Tôi tin là Fai đã nhận được khoảng từ 500.000 đến 700.000 USD mỗi năm từ chính phủ Pakistan”, đặc vụ FBI Sarah Webb Linden nói trong các báo cáo gửi Tòa án liên bang ở Alexandria, Vaginia.

Theo các tài liệu của Cục thuế nội địa Mỹ, về mặt chính thống thì Hội đồng Kashmir- Mỹ có một ngân sách ít hơn và đã báo cáo với chính phủ Mỹ Hội đồng này không nhận bất cứ khoản tiền tài trợ nào từ nước ngoài. Bộ tư pháp Mỹ còn cho biết, Pakistan cũng đang tài trợ cho các chiến dịch tương tự tại Anh và Bỉ.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Pakistan đã lập tức ra một tuyên bố nói Chính phủ nước này không biết gì về hoạt động như vậy.

Trong nhiều năm, Fai đã quyên góp cho các chiến dịch tranh cử quốc hội cho cả hai đảng ở Mỹ. Có thể điểm qua một số vụ điển hình như: số tiền 250 USD cho Tổng thống Obama năm 2008, 4.500 USD cho Ủy ban tranh cử Thượng Viện của đảng Dân chủ năm 2009. Các công tố viên cho biết không ai trong số những người nhận tiền biết được rằng tổ chức của Fai là bình phong của tình báo Pakisstan.

Người thứ hai bị buộc tội hoạt động gián điệp là Zaheer Ahmad. Theo các công tố viên, nhân vật này đã tuyển mộ nhiều người đóng giả làm các nhà tài trợ cung cấp tiền cho Hội đồng Kashmir – Mỹ nhưng trong thực tế nguồn tiền là của Chính phủ Pakistan.

Ahmad không bị bắt và đang ở Pakistan. Còn Fai, năm nay 62 tuổi, đã bị bắt giam cho tới phiên luận tội vào chiều ngày 21/7. Theo công tố viên Gordon Kromberg, nếu bị kết án, Fai có thể phải chịu án 5 năm tù giam. Cả Ahmad và Fai đều là công dân Mỹ.

Điều hành bí mật từ Pakistan

Các công tố viên cho biết, Hội đồng Kashmir – Mỹ được điều hành bí mật bởi Chính phủ Pakistan. Fai đã phối hợp hoạt động cùng với các chỉ huy ISI của mình và thường liên lạc qua các email mã hóa. Các quan chức Pakistan kiểm soát tài chính của Fai và chỉ đạo anh này gặp ai và làm gì.

“Ông biết rằng chúng ta đã làm việc với nhau vì sự nghiệp chung hàng thập kỷ nay”. Fai viết trong một email gửi cho quan chức cao cấp ISI năm 1995. “Trong những năm này, tôi đã cộng tác chặt chẽ với ông và những chỉ huy khác trước ông. Chúng ta đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, nhiệt huyết để hoàn thành sự nghiệp chung”.

Ở Washington, Fai nổi danh với việc tổ chức Hội nghị hòa bình Kashmir hàng năm tại Quốc hội Mỹ. Sự kiện này được coi là một diễn đàn độc lập cho các học giả Ấn Độ và Pakistan nhưng Bộ tư pháp Mỹ nói Chính phủ Pakistan đã kiểm duyệt danh sách báo cáo viên và chỉ thị cho Fai phải nhấn mạnh những chủ đề cần quan tâm.

Israr Mirza, nguyên chủ tịch Hội sinh viên Pakistan của trường đại học George Mason nhớ lại bài phát biểu của Fai trong một sự kiện hồi tháng Hai do Hội của anh tổ chức bàn về quan hệ Ấn Độ – Pakistan. “Tôi không thấy anh ta giống như một điệp viên hay đại loại như thế. Anh ấy là người lịch thiệp”. Mirza nói, “Anh ấy tỏ ra là một người điềm tĩnh. Anh chỉ nói về việc thúc đẩy hòa bình”.

ISI vốn có một quan hệ phức tạp với tình báo Mỹ. Cơ quan này đã từng là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ nhưng cũng đã nhiều lần chống lại Mỹ như việc điều hành các điệp viên hai mang đối phó với CIA. Vụ việc được phanh phui này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan trong thời gian gần đây, nhất là sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden hồi tháng Năm vừa qua.

Minh Phạm (Theo Fox News)