Tinh Hoa

Bộ sưu tập cổ vật ‘khủng’ thời chiến từ thầy giáo trẻ

 Bộ sưu tập “khủng” gồm hơn 500 kỷ vật thời chiến đã được lưu giữ bởi một thầy giáo còn rất trẻ.Từ khi học cấp 2, anh Phạm Văn Điệp (sinh năm 1985) đã có sở thích sưu tầm những món đồ kỷ vật. Trong thời gian học tập hay sau này lớn lên, có dịp đi chơi hay công tác xa anh đều tìm kiếm những món đồ cũ. Tuy không có giá trị về vật chất nhưng thực sự lại thỏa mãn niềm yêu thích cổ vật của anh.

Mỗi món đồ vật đối với anh đều gắn với một kỷ niệm riêng. Anh bị cuốn hút bởi màu thời gian in hằn trên những cổ vật đó. Đối với anh, sưu tầm cổ vật và nhìn ngắm chúng mỗi ngày đã trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật.

 

Những kỷ vật thời chiến

Hơn mười năm để tạo dựng cho mình một cơ ngơi riêng, anh Điệp không khỏi tự hào với bạn bè mỗi khi nhắc tới bộ sưu tầm của mình. Tính đến thời điểm hiện tại, anh sở hữu gần 500 món đồ vật các loại, phần lớn trong đó là những kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Để có được bộ sưu tầm kỷ vật này,anh Điệp đã tốn khá nhiều công sức và thời gian. Anh chia sẻ, để sở hữu chiếc xe đạp thời kỳ Pháp thuộc, anh đã phải tốn công thuyết phục chủ nhân của nó không dưới 5 lần. Nhưng nhờ lòng kiên trì mà chủ nhân của chiếc xe đã nhượng lại cho anh.

Đơn giản, anh quan niệm rằng “chỉ cần có niềm tin, lòng đam mê thì mọi thứ đều có thể làm được”. Mọi cổ vật anh có được nhờ những cuộc hành trình đi theo chiều dài đất nước.

Cổ vật thời chiến được trưng bày khắp gian nhà 

Anh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm những cổ vật, đôi khi cũng nản chí. Một vài người không hiểu được cho rằng anh có vấn đề khi suốt ngày thu mua, xin xỏ những đồ “ve chai”. Nhưng nhờ niềm đam mê lớn với những món đồ có sức hút đến lạ kỳ này mà anh đã theo đuổi đến cùng để có được những giá trị tinh thần vô giá.

Anh dự định trong một tương lai không xa có thể mở một bảo tàng tư nhân hoặc một quán cà phê Lính. Anh muốn gìn giữ và lưu truyền lại những món đồ đã gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam trong thời chiến như một sự biết ơn chân thành nhất để có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Anh Điệp cùng học trò tại hội diễn văn nghệ của trường

Cơ duyên đưa đẩy anh tới nghề giáo (hiện anh Điệp đang là giáo viên tại trường Hoàng Đồng – Hà Nam), anh luôn mong muốn giúp học trò của mình có một sức khỏe tốt, hướng dẫn các em cách ứng xử trong giao tiếp và trên hết phải biết quý trọng những giá trị truyền thống.

Hơn 5 năm dạy học, với tính cách hòa đồng, hướng ngoại và luôn thấu hiểu tâm lý học sinh, anh đã nhận được sự yêu mến của bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Ngoài những giờ giảng dạy trên lớp, anh dành phần lớn thời gian cho những chuyến ngao du đây đó, chụp ảnh và thú chơi độ xe…

Bụi

(vtc.vn)