(Ông Chấn vẫn còn nhớ như in những lần bị ép cung như thế nào)
Điều tra viên, trước hết phải nhìn nghi can là một công dân, không phải là tội phạm. Nguyên tắc suy đoán vô tội là một tiến bộ của nhân loại văn minh. Vì sao vậy? Bởi vì tỉ lệ người không phạm tội chiếm số đông, tội phạm rất ít. Trong hàng ngàn người mới có vài người phạm tội hình sự. Nguyên tắc suy đoán vô tội là để bảo vệ số đông người vô tội.
Trở lại vụ án giết người liên quan đến Nguyễn Thanh Chấn. Nếu như ông Chấn bị oan sai thì cũng cần phải xem xét để xử lý đúng bản chất của sự việc. Trong hoạt động tố tụng, tư pháp, không ai có thể cam kết chính xác tuyệt đối, không có sai sót xảy ra. Tuy nhiên, án oan sai, nếu có, thì chỉ vì rủi ro, vì những nguyên nhân khách quan vượt khỏi những tiên liệu của con người và kỹ thuật của điều tra. Nhưng án oan sai do những người trong cơ quan tố tụng cố tình gây ra, sắp xếp, tổ chức kịch bản, mớm cung, ép cung cho nghi can nhận tội thì đó là tội ác.
Đó là tội ác tước đi quyền tự do của người khác, thậm chí tước đi mạng sống của công dân. Hãy hình dung, nếu như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là con liệt sĩ để hưởng tình tiết giảm nhẹ mà chịu án tử hình thì oan thấu trời xanh và con người không có cơ hội để sửa sai.
Được biết, các điều tra viên trực tiếp điều tra ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm về trước đã bị triệu tập để làm rõ hành vi bức cung, nhục hình, xâm phạm hoạt động tư pháp. Với vụ này, cần khởi tố để xử lý theo pháp luật mới yên lòng dân.
Phải có bản án thích đáng với những người cố tình gây oan sai, để trong các phòng hỏi cung, sẽ không còn những câu mất nhân quyền như: “Mày có khai không, tao cho mày chết”.
Lê Chân Nhân
Nguồn: Dân Trí