Philippines vẫn chưa thể đánh giá được toàn bộ hậu quả của siêu bão Haiyan khi nó càn quét qua nước này hồi cuối tuần.
Tuy nhiên, những câu chuyện kinh hoàng từ lời kể của các nạn nhân đã dần giúp người ta hiểu rõ hơn về mức độ tàn phá và hủy diệt khủng khiếp của cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử thế giới này.
Mạnh nhất lịch sử loài người
Siêu bão Haiyan có thể là trận bão nhiệt đới mạnh nhất được ghi chép trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, các nhà khí tượng học vẫn cần phải thực hiện các cuộc phân tích thêm nữa trước khi đưa ra kết luận về việc liệu siêu bão Haiyan có đúng là cơn bão khủng khiếp nhất lịch sử loài người hay không.
Philippines hoang tàn sau bão hủy diệt Hải Yến |
Được biết, bão Haiyan mạnh gấp 3,5 lần cơn bão Katrina từng tàn phá nặng nề nước Mỹ năm 2005.
Không phải những trận gió cuồng phong có tốc độ kinh hoàng lên tới 250 đến hơn 270km/giờ gây ra sự tàn phá, hủy diệt ở đất nước Philippines mà chính là những con sóng khổng lồ lên tới 5 mét đã cuốn trôi mọi thứ.
“Thảm họa ở mức độ như thế này có thể sẽ khiến chúng tôi phải phân tích đến tận năm sau mới đưa ra được kết luận”, bà Sandra Bulling – một nhân viên truyền thông quốc tế của cơ quan viện trợ CARE, cho biết.
Dù các cơ quan chức năng chưa xác nhận được bão Haiyan có phải là cơn bão mạnh nhất lịch sử loài người hay không nhưng rõ ràng mức độ tàn phá và hủy diệt của nó thì cũng xếp vào hàng những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất.
Sau khi tràn qua Philippines, quang cảnh mà nó để lại không khác gì Ngày Tận thế trong những bộ phim khiến khán giả luôn cảm thấy cực kỳ sợ hãi. Những thi thể treo lủng lẳng trên các nhành cây, nằm rãi rác dọc những con đường và lẫn vào giữa những ngôi nhà đổ nát, hoang tàn. Trong khi đó, những người sống sót thì sục sạo, tấn công, cướp bóc các cửa hàng thực phẩm và các trạm xăng để tìm kiếm lương thực, nhiên liệu và nước uống. Sự hỗn loạn và tuyệt vọng đang lan khắp các khu vực rộng lớn chịu ảnh hưởng bởi trận bão kinh hoàng.
Khoảng 10.000 người có thể đã mất mạng khi siêu bão Haiyan cuồng nộ quét qua, cuốn theo toàn bộ nhiều ngôi làng và san phẳng nhiều thành phố với những con sóng dữ dằn cao tới 5m và những trận gió cuồng phong có tốc độ lên tới 250km/giờ.
Những lời kể kinh hoàng
Ở Philippines hiện tại, giới quan chức đang tìm cách tiếp cận với những hòn đảo mà họ không thể liên lạc được với bất kỳ ai kể từ khi cơn bão Haiyan tấn công vào khu vực hôm thứ Sáu (8/11). Trong khi đó, ở những nơi mà giới chức tiếp cận được thì sự tàn phá, hủy diệt thật sự ghê gớm.
Ánh mắt ám ảnh của bé gái trong căn lều của gia đình |
Người người đang điên cuồng lao đến lèn chật kính Căn cứ Không quân Villamor ở thủ đô Manila với hy vọng mong manh về việc tìm lại được người thân khi những chiếc máy bay vận tải giải cứu người dân từ ít nhất 6 trong số hơn 7.000 hòn đảo ở Philippines bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão Haiyan hạ cánh xuống sân bay.
Bà Maritess Tayag – một phụ nữ tầm 40 tuổi, cùng với em gái Maryann, 29 tuổi, xuất hiện tại sân bay trong tình trạng choáng váng và đói, khát run người. Nhưng ít nhất họ vẫn còn đang sống. Họ đến đây từ quê hương ở Tacloban nằm trên hòn đảo Leyte – một trong khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất của siêu bão Haiyan.
“Tôi đang ở trong nhà, bị mắc kẹt trong phòng của mình. Nước dâng lên tận mũi tôi. Tôi chẳng thể thở nổi. Tôi đã tìm cách cứu bản thân mình”, bà Maritess Tayag miêu tả về những thời khắc trong buổi sáng sớm ngày thứ Bảy (9/11) khi gió bão không ngừng vần vũ trên bầu trời kèm theo những cơn sóng đen nghịt dữ dằn đầy mùi khó ngửi ngày một dâng cao, dâng cao.
Em trai của Maritess Tayag cũng ở trong nhà, đang tìm cách ngoi đầu lên khỏi mặt nước mỗi lúc một lên cao. Nhưng cuối cùng, “Nước cũng trùm qua đầu em ấy. Sau đó một con sóng lớn đẩy mạnh em ấy lên cao”.
“Tôi cảm thấy mình sẽ chết ở thời điểm đó bởi tôi không thể và không biết mình sẽ phải làm gì. Tôi khóc rất nhiều và gào lên gọi Mẹ. Tôi gọi mọi người mở cửa và giúp chúng tôi”, bà Maritess vừa nói vừa khóc.
Người em gái và em dâu của bà Maritess đã leo được lên mái nhà trong khi em trai và mẹ của bà không thấy đâu. Có thể, hai người họ đều đã chết, bà Maritess nói.
Trong khi đó, Maryann miêu tả cả thành phố của cô giống như thể vừa trải qua một cuộc Chiến tranh thế giới thứ II và tất cả mọi người đều hoảng loạn tìm cách chạy trốn khỏi nơi đây khi gió bão bắt đầu ngừng dần.
“Tình trạng ở sân bay Tacloban là dẫm đạp lên nhau tìm cách lên được máy bay. Mọi thứ thật sự, thật sự khủng khiếp”, cô Maryann kể thêm.
Cho đến tận ngày hôm qua (10/12) giới chức Philippines mới liên lạc được với đảo Leyte. Chị em nhà Tayag cho biết, không hề có điện hay đường dây điện thoại nào còn tồn tại trên đảo. Tình trạng cướp bóc nổi lên khắp nơi. Thức ăn và nước uống cũng gần như không tồn tại. “Với những cơn gió dòng nước lũ mạnh khủng khiếp, cơn bão đã cuốn sạch tất cả… trong đó có cả bệnh viện và các cửa hàng”, bà Maritess run giọng nói.
“Điều kinh hoàng nhất là nhìn thấy mẹ mình trôi theo dòng lũ mà không biết phải làm gì. Bạn chỉ đứng đó nhìn và điều duy nhất có thể làm là cứu chính bản thân mình. Tôi không thể cứu mẹ mình bởi bà đã chết đuối”, Maryann cho biết thêm.
Một người dân khác ở Tacloban – Mila Ward, 53 tuổi, cho biết, “trên đường đến sân bay, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều thi thể nằm dọc con đường. Những thi thể đó được che phủ bởi bất kỳ thứ gì, từ vải dầu, tấm lợp mái nhà cho đến các mảnh bìa”.
Còn với giáo viên tiểu học Cherry Gonzaga, sau hai ngày, cô vẫn chẳng nhận được tin tức gì từ gia đình mình. “Không có cách nào để liên lạc với họ và toàn bộ gia đình tôi ở đó, 15 người”, Gonzaga cho biết khi xếp hàng cùng với hàng chục người Philippines khác để mua vé vào cầu tàu để đến đảo Leyte trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tìm kiếm người thân.
Nếu số người thiệt mạng trong siêu bão Haiyan được xác nhận là lên tới 10.000 người thì đây sẽ là thảm họa thiên nhiên gây chết người nhiều nhất trong lịch sử đất nước Philippines, vượt qua cả con số 5.100 người chết trong cơn bão Thelma hồi tháng 11 năm 1991 và 5.791 người chết trong trận động đất kèm sóng thần ở Vịnh Moro, phía nam Philippines, năm 1976.
(vtc.vn)