Tinh Hoa

Những thí nghiệm man rợ trên người

Trong lịch sử có nhiều nhà khoa học biến đồng loại thành “chuột bạch” trong những thí nghiệm kinh khủng, tàn bạo nhất.


Các thí nghiệm của Đức Quốc xã

Thí nghiệm trên con người của Đức Quốc xã được tiến hành với số lượng lớn trong các trại tập trung người Do thái thời Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Ở Auschwitz, dưới sự chỉ đạo của tiến sĩ Eduard Wirths, các tù nhân được lựa chọn để trở thành đối tượng được thí nghiệm khác nhau. Các thí nghiêm này hòng giúp cho quân đội Đức đối phó với các tình huống chiến đấu, hỗ trợ việc trị thương cho quân nhân và thúc đẩy ra đời một chủng tộc tiên tiến sẵn sàng cho Đế chế của Đức quốc xã.

 Thí nghiệm ngâm người trong nước đá của phát xít Đức

Thí nghiệm trên trẻ em sinh đôi trong các trại tập trung do tiến sĩ Josef Mengele tiến hành trên 1.500 ca sinh đôi trong đó chỉ có khoảng 200 cặp sống sót. Các cặp song sinh này được phân loại theo giới tính và bị nhốt trong các doanh trại suốt quá trình tiến hành thí nghiệm.

Các bác sĩ đã tiêm thuốc nhuộm vào mắt các cặp song sinh để theo dõi sự đổi màu của mắt có diễn ra không, truyền máu giữa 2 anh em của một cặp song sinh để kiểm tra tương thích máu và ghê rợn hơn, khâu người các cặp song sinh lại với nhau để tạo ra các cặp song sinh dính liền.

Năm 1942, Không quân Đức tiến hành các thí nghiệm tìm mọi cách để hạ thân nhiệt của cơ thể con người. Nghiên cứu này buộc đối tượng thí nghiệm phải ngâm trong một bể nước đá trong ba giờ. Một nghiên cứu khác đặt tù nhân trần truồng trong vài giờ ở nhiệt độ âm. Các thí nghiệm đánh giá tác động lên những người sống sót.

Từ khoảng tháng 7 năm 1942 đến khoảng tháng 9 năm 1943 , Đức Quốc xã tiến hành các thí nghiệm để xem xét hiệu quả của chất sulfonamide, một tác nhân kháng khuẩn tổng hợp, được thực hiện tại Ravensbruck.

Các bác sĩ gây ra các vết thương bị nhiễm các loại vi khuẩn như Streptococcus, bệnh hoại tử, uốn ván trên người tù nhân. Quá trình lưu thông máu bị gián đoạn bằng cách thắt mạch máu ở hai đầu vết thương để tạo ra một điều kiện tương tự như một vết thương chiến trường.

Sự nhiễm trùng còn tệ hơn khi các bác sĩ buộc dăm gỗ và thủy tinh vào vết thương. Các vết nhiễm trùng đã được điều trị bằng sulfonamide và các loại thuốc khác để xác định hiệu quả của chúng.

Dự án 4.1

Dự án 4.1 là một nghiên cứu y tế của Mỹ đối với cư dân bị nhiễm phóng xạ từ vụ thử hạt nhân Castle Bravo ngày 1/3/1954 khu vực Đảo san hô Bikini Atoll thuộc quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương.

Tình trạng sẩy thai và thai chết lưu ở phụ nữ đảo Rongelap bị nhiễm xạ tăng gấp đôi trong 5 năm đầu tiên nhưng sau đó lại trở về bình thường. Trẻ em ở đảo này gặp một vài vấn đề trong phát triển nhưng không phổ biến.

Vì vậy trong 10 năm đầu tiên, sau khi kiểm tra, các biểu hiện nhiễm xạ không rõ ràng và khó thống kê mức độ nhiễm xạ ở người dân. Tuy nhiên, trong những thập kỷ sau đó, đã xuất hiện những ảnh hưởng không thể phủ nhận của tình trạng nhiễm xạ. Trẻ em bắt đầu có dấu hiệu bị ung thư tuyến giáp (do tiếp xúc với i-ốt phóng xạ) và 1/3 người bị nhiễm xạ có phát triển các khối u tính tới năm 1974.

Trong báo cáo của Ủy ban Năng lượng về các thí nghiệm về bức xạ trên người đã chỉ ra rằng, các nhóm đặc trách về vấn đề nhiễm xạ đã gần như ngay lập tức nhận ra các nguy cơ nhưng lại không thực hiện các điều trị về y tế cho các cư dân bị nhiễm xạ. Báo cáo của ủy ban này cũng kết luận rằng, mục đích kép của chương trình này là sử dụng các cư dân ở vùng đảo Marshall như những giống “chuột lang” cho các thí nghiệm về phóng xạ.

Cuộc thử nghiệm ở nhà tù Stanford

Thí nghiệm nhà tù Stanford là một nghiên cứu tìm hiểu và đánh giá về hành vi của các cá nhân khác nhau trong vai trò tù nhân hoặc cai ngục và xem xét biểu hiện của họ trong từng vai trò. Thí nghiệm được một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu là nhà tâm lý học Philip Zimbardo tại Đại học Stanford (Mỹ) tiến hành vào năm 1971.

Các tình nguyện viên tham gia chương trình được chia làm hai nhóm. Một nhóm đóng vai cai ngục và một nhóm đóng vai tù nhân sống trong một nhà tù giả được dựng dưới tầng hầm của ĐH Stanford.

Sau 5 ngày sau tiến hành thí nghiệm, các “tù nhân” và “cai ngục” nhanh chóng thích nghi với vai trò của mình, thậm chí còn “nhập vai” quá tốt so với những gì được dự đoán dẫn đến các tình huống nguy hiểm và gây tổn hại tâm lý. Một phần ba các cai ngục xuất hiện hành vi tàn bạo, trong khi nhiều tù nhân bị tổn thương về mặt tinh thần ngay cả sau khi kết thúc cuộc thí nghiệm. Cuối cùng, do sự phản đối của dư luận về việc lạm dụng các đối tượng tình nguyện, Zimbardo đã phải chấm dứt toàn bộ thí nghiệm.

The Monster Study – thí nghiệm quái vật

Nghiên cứu này là một thử nghiệm trên 22 trẻ mồ côi bị nói lắp ở Davenport, Iowa (Mỹ) vào năm 1939 bởi Wendell Johnson tiến hành tại Đại học Iowa . Johnson đã chọn một trong những sinh viên tốt nghiệp của mình, Mary Tudor, giúp tiến hành và giám sát các thử nghiệm của mình.

Những đối tượng thí nghiệm được chia ra 2 nhóm, trong đ&oac
ute; một nhóm được áp dụng phương pháp điều trị “tích cực”- tán dương, khuyến khích và một nhóm áp dụng phương pháp “tiêu cực”- trừng phạt mỗi khi mắc lỗi.

Kết quả sau 6 tháng, những đứa trẻ phải chịu đựng phương pháp tiêu cực có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý. Nhiều trẻ đã nói lại được bình thường nhưng lại chịu những chấn thương tâm lý nặng nề, còn một số vẫn hoàn toàn bị nói lắp như trước. Có rất nhiều trẻ em có kỹ năng nói bình thường, sau khi tham gia thí nghiệm này và bị xếp vào nhóm thứ hai, phải chịu những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực cũng như các vấn đề về ngôn ngữ trong suốt phần đời còn lại.

Các đồng nghiệp của Johnson đã gọi đây là “Thí nghiệm quái vật”, vì đã lấy trẻ mồ côi ra để chứng minh học thuyết của mình. Thí nghiệm này được giữ kín vì Johnson sợ bị ảnh hưởng tới danh tiếng, trong bối cảnh các thí nghiệm trên cơ thể người của Đức Quốc xã đang bị thế giới lên án. Đại học Iowa đã phải chính thức xin lỗi về thí nghiệm này vào năm 2001.


Bình Nguyên (Theo LV)/Kiến thức (vtc.vn)