Ba tấm gương khổng lồ ở Nauy đã đi vào hoạt động để mang lại ánh sáng mặt trời cho những người dân sống tại một thị trấn nằm dưới đáy thung lũng.
Tin chi tiết:
Ba tấm gương khổng lồ đã được dựng tại sườn núi phía trên thị trấn công nghiệp Rjukan ở Na Uy, nhằm mang lại ánh sáng mặt trời cho khu dân cư nổi tiếng với mùa đông luôn chìm trong bóng tối này.
Ba tấm gương được lắp đặt trên vách núi cao khoảng 457 mét so với khu chợ Rjukan, có tổng diện tích gần 51 mét vuông, và sẽ được vận hành vào thứ Tư 30/10. Chúng được thiết kế để đón ánh mặt trời và phản xạ xuống Rjukan tạo thành vùng sáng hình ê-lip rộng khoảng 600 mét vuông. Tia sáng phản chiếu có độ sáng từ 80 đến 100% so với ánh sáng tự nhiên. Các tấm gương được di chuyển trên hai trục theo một chương trình lập trình sẵn để có thể đón ánh nắng mặt trời vào tất cả các thời điểm trong năm.
Nghệ sĩ địa phương Martin Andersen là người đã đưa ra ý tưởng này, và gọi đây là “dự án lành mạnh nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng”.
Thị trấn Rjukan cách thủ đô Oslo khoảng 175 kilomet và nằm dọc theo đáy của một thung lũng hẹp. Trong suốt mùa đông từ tháng 9 đến tháng 3, thị trấn với dân số 3.000 người này hoàn toàn chìm trong bóng tối.
Oystein Haugan, người quản lý dự án gương mặt trời tại thành phố tự trị Tinn và cũng là người chịu trách nhiệm phát triển dự án, đã rất tự tin rằng dự án này sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể.
” Việc đón ánh mặt trời vào mùa đông rất quan trọng nhưng tại thị trấn, chúng tôi không có ánh mặt trời trong suốt sáu tháng mùa đông và mọi người ở đây đều mong muốn có ánh sáng. Chúng tôi từng xây dựng cáp treo để đưa mọi người lên núi đón nắng nhưng hiện nay chúng tôi đã biến ý tưởng cách đây một trăm năm trở thành hiện thực. Chúng tôi dùng những tấm gương để phản chiếu ánh mặt trời xuống cho thành phố. Nghe thì điên rồ nhưng cũng hài hước, và tôi nghĩ mọi người sẽ thích điều này.”
Ý tưởng đã được đưa ra từ rất lâu, vào năm 1913, bởi một công nhân tại xí nghiệp địa phương. Một nhà tư bản công nghiệp địa phương đã xem xét ý tưởng này nhưng cuối cùng ông chọn cáp treo vì nó có thể đưa những người dân thiếu nắng lên đỉnh núi để đón ánh sáng tự nhiên. Cáp treo hiện vẫn còn được sử dụng, nhưng nhà chức trách địa phương hy vọng, những tấm gương mới của họ sẽ thu hút nhiều khách tham quan, có thể giữ chân người dân và mang đến một bài học về tâm thái chủ động tích cực.
( Theo NTDTV )