Bão Haiyan dồn tâm mưa vào đồng bằng và Đông Bắc Bộ trong đó có Hà Nội được cảnh báo về một trận lụt năm 2008 có thể tái diễn.
Theo các bản tin Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương phát đi, siêu bão Haiyan (cơn bão số 14) hiện áp sát bờ biển miền Trung và đang dịch chuyển lên phía bắc với sức gió tối đa 166km/giờ gây mưa dông cho khu vực Trung Trung Bộ, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to.
Ngày 9/11, tại cuộc họp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các thành viên đã nhận định bão Haiyan sẽ áp sát các tỉnh miền Trung, sau đó có khả năng suy yếu trở thành áp thấp và gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ.
Các chuyên gia dự báo quốc tế đồng loạt dự báo đường đi của bão Haiyan quét dọc từ miền Trung ra Bắc, gây mưa lớn cho đồng bằng. Trong ảnh, các chuyên gia Mỹ dự đoán bão sẽ hướng ra miền Bắc Việt Nam |
Như vậy, các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc cần nhanh chóng nắm chắc tình hình, chủ động trong ứng phó với mưa lớn.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sáng 10/11, bão sẽ áp sát vùng biển Quảng Ngãi và Đà Nẵng, sau đó men theo bờ biển Việt Nam và tiến dần vào bờ cho đến phía Bắc tỉnh Quảng Bình, tâm bão sẽ nằm hoàn toàn trên đất liền.
Do ma sát với đất liền trong quá trình di chuyển, nên bão sẽ giảm cấp. Điều đáng lo ngại là khi suy yếu thành vùng thấp sẽ gây mưa lớn tại các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc.
Dự báo lượng mưa sẽ phổ biến từ 100-300mm, có nơi lên đến 500mm. Ông Bùi Minh Tăng đề nghị, phải rà soát lại khu vực nguy hiểm, chủ động sơ tán dân trước khi có mưa hoặc mưa to ập đến. Dự kiến khoảng trưa, chiều 10/11 sẽ bắt đầu có mưa.
Trước đó, vào đêm 30/10/2008, tại miền Bắc và các tỉnh phía Bắc miền Trung đã hứng chịu một trận mưa lớn kỷ lục, kéo dài trong hơn 100 năm.
Trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008. Ảnh: VNN |
Xe hoa chìm trong nước. Ảnh: Dân Trí |
Đợt mưa lớn vượt quá mọi dự báo và trái mùa này đã gây ra một trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Cùng lúc đó, những trận mưa lớn trên các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ đã gây ra lũ lụt trên diện rộng, làm nhiều người chết, gây thiệt hại vật chất đáng kể.
Trận mưa này đã rút nước vào ngày 4/11/2008, tuy nhiên nhiều nơi vẫn ngập rất nặng.
Thời điểm đó, cả Hà Nội chìm trong một biển nước khổng lồ. Đến 6h ngày 3/11/2008, Hà Nội còn khoảng 63 điểm ngập úng nặng. Theo báo Tuổi trẻ, ước tính 5 ngày sau khi tạnh mưa Hà Nội mới thoát ngập.
Mưa lớn khiến giao thông hỗn loạn, ôtô, xe máy chết máy la liệt trên đường. Từ sáng 31/10, toàn bộ dân cư và bảo vệ toà nhà C6, khu đô thị Mỹ Đình I, đã phải chạy nước vì tầng hầm của toà nhà có khoảng 100 chiếc xe máy và gần 20 ô tô bị chìm trong nước.
Trong số này, có khoảng 20 ôtô đắt tiền như Mercedes, Lexus, Avalon trị giá hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, khắp Hà Nội có hàng ngàn xe các loại đã bị ngập nước, hư hỏng. Xe cứu hộ chạy đêm ngày vẫn không hết việc. Một số xe cứu hộ đã chết máy, ngâm mình trong nước để rồi lại được kéo đi bởi một xe cứu hộ khác.
Theo tổng kết sơ bộ, đến tối 1/11, Hà Nội đã có 17 người thiệt mạng. Đến 13h34 trưa 03/11/2008 là 20 người.
Trận mưa lớn và kéo dài khiến người dân Hà Nội điêu đứng. Nhiều chợ phải đóng cửa, những chợ khác, nếu có mở hàng thì giá cả lại tăng vọt gấp 5, gấp 7 lần ngày thường. Nhiều tiểu thương đã lập chợ cóc bên đường để phục vụ nhu cầu của người dân.
Cá biệt có những mặt hàng đã lên giá gấp 10 – 15 lần. Tuy nhiên, vì bị nước lụt bao vây và không thể đi hay đến được, nhiều người dân chỉ có thể ăn mì ăn liền.
Thiệt hại đợt lụt này tổn hại lớn nhất đến người dân khi phải nghỉ việc, đi muộn, xe máy, ô tô hỏng… Ảnh: Đoàn Kết |
Sông Tô Lịch lại có cá. Ảnh Đoàn Kết |
Hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn, nhiều công chức, nhân viên văn phòng không thể đi làm. Nhiều người cố gắng đến công sở lại rất khó khăn để làm việc do nhà cửa bị ngập, máy móc tê liệt hoặc bị cắt điện.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đê sông Hồng bị sạt lở, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa và sông Tô Lịch đều đã ngập tràn nước mưa.
Ước tính thiệt hại ban đầu riêng tại Hà Nột ít nhất là 3.000 tỷ đồng (chưa kể sản xuất công nghiệp, dịch vụ). Tuy nhiên, ngay sau đó con số này đã bị xem là quá khiêm nhường.
Do ảnh hưởng của cơn bão Haiyan, Hà Nội sẽ có mưa to khoảng 200-300mm. 20 điểm đen tại phía Tây thành phố, dọc theo vành đai 3 và lưu vực sông Nhuệ nhiều khả năng sẽ úng ngập nặng.
Không cứ trận lụt lịch sử năm 2008, hoàn lưu bão số 6 vừa qua cũng làm nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập nặng do những trận mưa triền miên kéo dài từ đêm hôm trước sang chiều hôm sau. Ở quận Hoàn Kiếm, nhiều tuyến phố nước ngập sâu nửa bánh xe, nước hồ Gươm tràn cả lên mặt đường. |
Ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố đã có 2 công điện chỉ đạo các ban ngành, quận huyện tích cực phòng chống lụt bão, đặc biệt chống ngập khu vực nội và ngoại thành.
Văn phòng Ban chỉ đạo thường xuyên cập nhật dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn về cơn bão Haiyan, dự kiến Hà Nội sẽ đón lượng mưa lớn từ 200 đến 300mm.
Hiện các lực lượng chống bão của các sở ngành, quận huyện khẩn trương gia cố các tuyến đê xung yếu, kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vận hành các trạm bơm tiêu úng hiệu quả, cùng với đó là kiểm tra nhà chung cư xuống cấp, tháo dỡ cần cẩu cao tầng…
Trước đó, tại cuộc họp chỉ đạo phòng chống cơn bão được cảnh báo có sức tàn phá mạnh chưa từng có này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương dốc toàn lực chống bão. Thủ tướng cũng khuyến cáo việc ngập lụt tại Hà Nội năm 2008 có thể tái diễn.
Diệp Vy (vtc.vn)