Tinh Hoa

Trúng liền 4 giải độc đắc, tặng luôn người bán vé số 1,5 tỷ đồng

Tới khu vực chợ Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hỏi người dân về Bôn “ba gác” thì ai cũng biết cả. Bởi 20 năm qua, hình ảnh người đàn ông có khuôn mặt đen nhẻm trên chiếc xe ba gác đã quá quen thuộc trên các con đường ngõ ngách ở khu vực này

Hơn 2 năm nay, Bôn “ba gác” lại càng nổi tiếng hơn khi trúng 10 tờ vé số độc đắc và giải an ủi rồi tặng luôn cho người bán vé số 1 tờ vé trúng giải đặc biệt, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Thưởng cho người bán vé số 1,5 tỷ đồng vì trung thực

Theo lời anh Bôn, ngay khi biết mình trúng số, để trả ơn cho “thần may mắn” của mình, anh rút ngay một tờ vé trúng độc đắc, kèm 200.000 đồng đưa cho chị Lành và nói: “Tôi trả nợ tiền vé cho cô, tặng thêm cô tờ vé. Anh em mình có phước thì chia nhau cùng hưởng”. Hành động đẹp của anh Bôn, khiến hàng chục người có mặt tại đây ai cũng võ tay tán dương và nể phục. 

Sau đó cũng có những ý kiến cho rằng, anh tặng cho người bán vé số quá nhiều, chỉ cần một chiếc vé an ủi cũng là đủ. Nhưng cho đến nay, anh Bôn vẫn không hối hận với quyết định của mình và cho rằng, nếu chị Lành không thành thật mà giấu biến mấy tờ vé số đi thì chắc gì anh đã được đổi đời. Anh tặng số tiền đó để muốn tôn vinh sự trung thực.

Mua chịu vé số ế trúng luôn 10 tờ!

Ngỏ ý muốn gặp anh Bôn trò chuyện, một anh xế ba gác nhiệt tình dẫn chúng tôi tới khu vực chân cầu An Thạnh (huyện Bến Lức), nơi “tỷ phú xổ số” đang sinh sống. Chỉ tay về phía ngôi nhà sơn màu xanh nhìn rất nổi bật so với xung quanh, anh này bảo đó là nhà của anh Đỗ Ngọc Tuấn – tên thật của Bôn “ba gác” (46 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức).

Nói chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới được sửa sang, anh Bôn vẫn còn chưa quên được cảm giác phấn khích khi bỗng nhiên thành tỷ phú. Đó là vào một buổi chiều muộn ngày 15.11.2011, khi đang ngồi ủ rũ vì cả ngày dài nắng không kiếm được chuyến xe chở hàng nào, thấy điện thoại reo lên ngỡ là có khách gọi khiến anh mừng húm. Nhưng nụ cười trên môi chưa tròn thì anh lại trở lại mặt đất vì số hiện lên là “Lành vé số”, người đàn bà bán vé số dạo quen thuộc hay mời anh mua. 

Đang chán nản, anh chẳng buồn bắt máy dù biết kiểu gì thì cô Lành cũng gọi lại ca điệp khúc nài nỉ mua vé số “chống ế”. Chuông điện thoại liên tục réo, cuối cùng anh miễn cưỡng nghe máy và không biết trời xui quỷ khiến thế nào, nghe chị Lành kêu than, anh nhận mua luôn 20 tờ vé số còn lại.

Chị Lành cùng mẹ và các cháu trước căn nhà mới xây ở Hồng Ngự – Đồng Tháp (Ảnh: Người lao động)

Gần 10 phút sau, đang hì hục vác mấy thanh sắt để giao cho khách hàng, chuông điện thoại của anh một lần nữa lại reo lên. Lại là tên của chị Lành, anh Bôn bực mình bấm nghe, trong bụng thầm nghĩ mới nói cho thiếu xong mà lại đòi tiền ngay vậy. 

Đúng như lời anh nói, bên kia giọng người phụ nữ run run nói: “Anh cầm 200.000 ngàn đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè”. “Thôi đừng có xạo. Muốn lấy tiền vé cứ nói đại đi. Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả”, tắt máy anh tiếp tục vác cho hết đống sắt chất đầy trên xe.

Nhận tiền công của khách hàng và may mắn được ông khách sộp bo thêm cho 300 ngàn đồng, anh mừng quá vì có tiền trả nợ vé số mới mua nên chạy xe một mạch tới quán Cây Mai để trả tiền cho chị Lành. Mới tới cửa quán, chưa kịp xuống xe đã có cả chục người chạy lại cười nói chúc mừng anh thành tỷ phú. 

Nghĩ họ hùa nhau đùa mình anh còn nói giỡn lại: “Cứ đùa hoài! Nếu trúng tui bao cả xóm đi du lịch Châu Đốc (An Giang)”. Chưa nói dứt lời thì chị Lành tiến lại gần, nhìn anh vui vẻ rồi mở cái túi nhỏ lấy ra xấp vé số: “Tui trả anh không thiếu tờ nào nha, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 đều trúng hết. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi”.

Vẫn bán tính bán nghi, anh cầm sấp vé với dãy số 191207 của đài Bến Tre (Công ty xổ số kiến thiết Bến Tre), nhìn vào tờ giấy kết quả còn chưa ráo mực photo và khi hai con số đó trùng nhau thì anh như không thể tin vào mắt mình. Để kiểm chứng thêm, anh Bôn run run bấm điện thoại nhắn tin tra kết quả qua tổng đài. Tin nhắn kết quả trả lại vẫn trùng khớp với dãy số ấy khiến anh bật khóc vì quá sung sướng.

Tiếp xúc với phóng viên, chị Phạm Thị Lành cho hay: “Hôm ấy cầm trong tay hơn 10 tấm vé số có đuôi 07 mà mình hứa bán cho anh Bôn, có nhiều người bảo tôi cách để chia vé số trúng giải đó nhưng tôi nhất quyết không chịu. Cùng là những người lao động nghèo khó, mỗi lần bán ế, tôi gọi điện hỏi và anh ấy đều mua ủng hộ. Không lẽ giờ anh ấy trúng số, mình lại giấu? Tiền thì ai mà không ham, nhất là người đang nghèo khổ nợ nần chồng chất như tôi. Nhưng lương tâm không cho phép làm như vậy. hơn nữa, mình phải giữ chữ tín chứ không sau này ai có thể tin nổi mình nữa”.

Thành tỷ phú vẫn mưu sinh bằng xế ba gác

Khác với những người bỗng nhiên thành tỷ phú từ vé số thường tiêu xài hoang phí hay đổ hết tiền vào cờ bạc, ăn chơi trác táng mà PV từng gặp, sau hơn 2 năm trúng số, trong tay có tới hơn 6 tỷ đồng nhưng anh Đỗ Ngọc Tuấn vẫn là “Bôn ba gác” bình dị không khác gì so với lúc chưa thành đại gia. Vẫn tấm áo sờn vai đã ngả màu mưa nắng, chiếc mũ tai bèo nhàu nhĩ cùng với chiếc xe ba gác từ thủa hàn vi, hàng ngày chăm chỉ chở hàng khi có ai gọi tới.

Khốn khó không ngại khổ, giàu sang không ngại cực, anh Bôn cho biết sau khi trúng số vẫn ngày ngày chạy xe ba gác chở hàng thuê ngoài đầu chợ. “Quen rồi, nghỉ sao được, nhớ mọi người sớm tối cùng nhau, những bạn hàng thân thiết chịu không có nổi. Nhiều khi anh em, bạn bè cứ trọc ghẹo: “Sao không nghỉ ở nhà đi, tỉ phú mà còn đi giành bạc lẻ làm gì!”. Thế nhưng, tôi nghĩ nghề của mình sao mà bỏ được. Mà ở nhà không làm gì cũng buồn bực chân tay”, anh Bôn bộc bạch.

Anh “Bôn ba gác” may mắn trúng 4 tờ vé số giải đặc biệt trị giá gần 6 tỷ đồng (Ảnh: Người lao động)

Trải lòng về quãng thời gian cơ cực trước khi trúng số, anh Bôn chân thật nói: “Từ nhỏ gia đình đã nghèo khó, khi lấy vợ lại càng trăm bề lo tính, cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng vì những món nợ nần. Số tiền ít ỏi tôi chạy xe thuê và đồng lương công nhân bèo bọt của vợ chỉ vừa đủ giúp vợ chồng không đến nỗi đói khát và chăm lo cho cậu con trai của mình”.

Anh kể, vốn đã nghèo lại gặp phải cái eo, tai họa ập đến trong một lần mình chở sắt cho một cửa hàng vật liệu xây dựng. Do sơ ý, miếng tôn sắc như dao đã cắt gần như đứt lìa cánh tay trái khiến anh phải nằm viện mấy tháng trời. Nếu không nhờ sự cưu mang, giúp đỡ tận tình của người chị ruột thì có lẽ cánh tay anh đã phải cắt bỏ. “Tiền viện phí, thuốc men gần 50 triệu đồng đều một tay chị tôi lo. Khi tay lành, hai vợ chồng phải lo cơm từng bữa, nhiều khi còn phải nhịn đói phần cơm cho con”.

Tưởng như sau tai nạn kinh hoàng ấy, anh không thể gượng dậy nổi, thế nhưng người xưa có câu “ở hiền thì gặp lành”, khi ông trời thương cho anh phước lộc đổi đời. Có tiền, anh không thể quên thuở hàn vì những người đã hết lòng cưu mang mình lúc cùng cực nhất, nên trích một số tiền giúp cho người thân trang trải cuộc sống, sửa sang mái nhà. Riêng hàng xóm cũng được thơm lây, nhất là những người già neo đơn đều được anh tận tình giúp đỡ bằng vật chất. Vì theo anh, lộc trời thì không nên hưởng một mình mà cần cho mọi người ít nhiều cùng chung. Số tiền còn lại, anh cũng không dám tiêu pha hoang phí, đem gửi ngân hàng, mỗi tháng chỉ rút phần lãi lo cho gia đình.

Không giấu nổi tâm trạng của mình, người vợ gắn bó với anh từ thủa hàn vi thổ lộ: “Cùng nhau trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, nhiều khi tưởng không thể gượng dậy nổi nhưng hai vợ chồng thường động viên nhau cùng cố gắng. Ngày anh chạy về nói trúng số, mình còn không dám tin, nhưng khi thấy ảnh mang tiền về, hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc. Khóc vì những cơ cực những ngày qua, vì mình sắp được mở mặt với mọi người, vì tương lai của cả gia đình”. Nhưng với chị vui nhất không phải là cầm trong tay số tiền quá lớn, mà vui nhất là chồng mình không như người khác mang “của thiên trả địa”.

Khi nghe câu chuyện của anh Bôn, có một chi tiết cũng khiến người không khỏi ngạc nhiên vì anh mua vé số chỉ qua một giao kèo miệng từ chị Phạm Thị Lành (32 tuổi, quê ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Thế nhưng, khi đứng trước một khối tài sản quá lớn, người đàn bà bán vé số vẫn không nổi lòng tham mà trả toàn bộ số vé trúng thưởng cho anh. Câu chuyện tưởng như cổ tích ấy lại được anh cùng chị “Lành vé số” thật thà viết nên bằng cả niềm tin của những người nghèo khó với nhau.

Theo Đời sống & Hôn nhân