Apple vừa tiết lộ thông tin chi tiết về việc hãng cung cấp thông tin khách hàng của mình theo yêu cầu của chính phủ các nước, trong đó có cả những thông tin nhạy cảm như nội dung email hay hình ảnh của người dùng.
Trong một bản báo cáo vừa được Apple công bố, chính phủ Mỹ đã gửi đến cho Apple 1.000 đến 2.000 yêu cầu cung cấp thông tin người dùng của Apple trong vòng 6 tháng tính đến hết 30/6 vừa qua. Trong số các yêu cầu đó có liên quan đến 2.000 – 3.000 tài khoản người dùng của Apple.
Apple cho biết những yêu cầu của chính phủ Mỹ gửi đến cho công ty chủ yếu nhằm công tác điều tra các vụ trộm cướp, tội phạm hoặc nhằm giúp đỡ các vụ điều tra tìm kiếm người mất tích.
Apple đã phải cung cấp nhiều thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ, trong đó có cả các thông tin nhạy cảm
Đáp lại các yêu cầu của chính phủ Mỹ, Apple cho biết chủ yếu chỉ cung cấp thông tin liên quan đến chủ tài khoản iTunes hay iCloud, chẳng hạn như họ tên và địa chỉ của những người dùng này. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nghiêm trọng, Apple còn cung cấp cả email và các hình ảnh được người dùng lưu trữ trên dịch vụ đám mây của Apple.
“Trong một vài trường hợp rất hiếm, chúng tôi được yêu cầu cung cấp các hình ảnh được lưu trữ và email. Chúng tôi đã xem xét những yêu cầu một cách rất cẩn thận và chỉ cung cấp các nội dung liên quan đến tài khoản trong một vài trường hợp rất hạn chế”, Apple cho biết.
Ngoài chính phủ Mỹ, chính phủ nhiều nước khác cũng yêu cầu Apple cung cấp các thông tin liên quan đến người dùng của mình, bao gồm chính phủ Anh (đứng thứ 2 trong danh sách với 127 yêu cầu), Tây Ban Nha, Đức, Áo…
Apple cũng cho biết thêm rằng bên cạnh các yêu cầu liên quan đến thông tin người dùng, chính phủ Mỹ cũng yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến các sản phẩm của Apple, chủ yếu là các sản phẩm bị thất lạc hay bị đánh cắp, nhằm phục vụ các công tác điều tra. Apple cho biết hãng đã nhận được hơn 3.500 yêu cầu dạng này trong 6 tháng đầu năm 2013.
Ở chiều hướng ngược lại, Apple đã sử dụng các yêu cầu của chính phủ Mỹ để kêu gọi quyền tự do để cung cấp các thông tin bị yêu cầu cho người dùng của mình được rõ.
Hiện tại chính phủ Mỹ không cho phép được tiết lộ các thông tin chi tiết về những yêu cầu của chính phủ liên quan đến thông tin của người dùng, ngoại trừ các thông tin trên phạm vi rộng, số lượng các yêu cầu hay số lượng các tài khoản bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu này… Nghĩa là chỉ được cung cấp các thông tin chung dưới dạng các con số thống kê, thay vì cung cấp thông tin chi tiết những tài khoản nào bị ảnh hưởng hay những tài khoản nào buộc phải cung cấp thông tin…
Đầu năm nay, hàng loạt các “ông lớn công nghệ”, bao gồm Google, Facebook và Microsoft đã cùng gửi đơn kiến nghị lên chính phủ Mỹ để cho phép các hãng tiết lộ các thông tin chi tiết liên quan đến các yêu cầu cung cấp thông tin người dùng của mình tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào.
Apple cho biết sẽ tiếp tục gửi phản ánh lên chính phủ Mỹ để được minh bạch hơn trong các hoạt động giám sát thông tin người dùng và các yêu cầu thông tin cá nhân liên quan đến khách hàng của hãng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong khả năng của mình để giúp các hoạt động giám sát trở nên minh bạch hơn”, Apple cho biết.
T.Thủy
Nguồn: Dân Trí