Tinh Hoa

Châu Âu có thể trừng phạt Mỹ vì hoạt động nghe lén

Giới chức Đức thông báo châu Âu đang suy tính những biện pháp trả đũa việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi những đồng minh thân cận nhất của nước này.

Giới cầm quyền tại châu Âu tỏ ra không hài lòng với phản ứng của Mỹ trước các cáo buộc về việc NSA theo dõi lãnh đạo các nước đồng minh. Vì thế họ đang tìm cách ép Mỹ cung cấp những dữ liệu mà họ đã thu thập, đồng thời đảm bảo rằng hoạt động tương tự sẽ không tái diễn. Thách thức của các nhà lãnh đạo châu Âu là phải gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ, nhưng không gây tổn hại tới quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới, AP đưa tin.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron trò chuyện trong hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại thành phố Brussels hôm 25/10. Ảnh: AP.

Tuần trước chính phủ Đức đã viện dẫn một nghị quyết không ràng buộc mà Nghị viện châu Âu đã thông qua để đình chỉ một thỏa thuận mà châu Âu đã ký với Mỹ. Thỏa thuận này, mang tên Chương trình Theo dõi Tài chính Khủng bố, cho phép Mỹ tiếp cận dữ liệu chuyển tiền của các ngân hàng để theo dõi sự lưu chuyển dòng tiền của bọn khủng bố. Bà Sabine Leutheusser-Schnarrenberger, Bộ trưởng Tư pháp Đức, tin rằng người Mỹ lợi dụng thỏa thuận để thu thập thông tin tình báo kinh tế, chứ không chỉ riêng thông tin về các tổ chức khủng bố. Vì thế châu Âu nên đình chỉ nó để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với Washington.

“Việc đình chỉ thỏa thuận là một tín hiệu cho thấy một hành động nào đó có thể xảy ra. Chúng tôi muốn người Mỹ hiểu rằng chính sách của châu Âu đối với Washington đang thay đổi”, bà nói.

Để tạm ngừng Chương trình Theo dõi Tài chính Khủng bố, Đức cần sự đồng ý của đa số trong 28 nước thuộc Liên minh châu Âu.

Tại Washington, bà Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo thượng viện Mỹ, kêu gọi quốc hội xem xét lại toàn bộ chương trình do thám của Mỹ. Feinstein khẳng định bà chưa biết hết những chương trình đó.

“Do một lệnh bí mật của tòa án, NSA buộc phải cung cấp cho Ủy ban Tình báo thượng viện nội dung các cuộc gọi mà họ nghe lén. Nhưng chúng tôi không hề biết rằng một số hoạt động do thám đã diễn ra trong hơn một thập kỷ, bao gồm việc nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel”, Feinstein nói.

Feinstein khẳng định NSA không hề báo cáo với Tổng thống Barack Obama rằng họ đã nghe lén điện thoại của bà Merkel từ năm 2002.

“Tôi hoàn toàn phản đối việc NSA theo dõi lãnh đạo của các nước đồng minh với Mỹ – bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Đức. Nếu Mỹ không đối mặt với hành động thù địch từ một quốc gia hoặc phải giải quyết một nhu cầu cấp bách nào đó, tôi tin rằng chúng ta không theo dõi điện thoại di động hay thư điện tử của tổng thống cũng như thủ tướng của những nước đồng minh. Tổng thống phải là người phê chuẩn mọi hoạt động theo dõi như thế”, bà bình luận.

Sau Đức và Pháp, Tây Ban Nha là đồng minh mới nhất của Mỹ yêu cầu Nhà Trắng giải thích sau khi El Mundo, một nhật báo trong nước, đưa tin NSA theo dõi hơn 60 triệu cuộc gọi điện thoại của công dân Tây Ban Nha trong một tháng.   Theo Quỳnh Trang (Zing.vn/Tri thức)