Tinh Hoa

Phát hiện cây bạch đàn mọc ra lá bằng vàng

Những cây bạch đàn tại một vùng ở phía tây nước Úc có khả năng hấp thụ hạt vàng nhỏ dưới lòng đất và phát tán vào cành và lá cây.

Các nhà khoa học từ Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) ở Úc đã phát hiện ra việc các cây bạch đàn trong nội địa nước này đang hấp thụ các hạt vàng nhỏ dưới lòng đất và phát tán nó vào các cành và lá cây. Thay vì trở thành nguồn cung cấp các “lá vàng” thì đây sẽ là một phương án khai thác quặng vàng rẻ và thân thiện với môi trường hơn nhiều so với các phương pháp ngày nay. 

Sử dụng các máy thăm dò Maia để chụp ảnh X-quang nguyên tố, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được hình ảnh rõ nét về các hạt vàng và kim loại khác trong cấu trúc lá bạch đàn ở khu vực Kalgoorlie (phía Tây nước Úc). Các phương pháp khác hiện không thể tìm thấy các dấu vết kim loại này.
 






Ảnh chụp X-quang cho thấy các hạt vàng và kim loại khác trong cấu trúc lá bạch đàn ở Úc.

 

“Cây bạch đàn hoạt động như một cái bơm nước. Rễ cây đâm sâu xuống mặt đất đến hàng chục mét và hút nước có chứa vàng lên. Có khả năng kim loại vàng là chất độc với cây, do đó nó được phân tán đến lá và cành cây để có thể loại bỏ khỏi cây”, giáo sư Mel Lintern, nhà địa hóa học ở CSIRO cho biết. 

Do các hạt vàng trên lá chỉ có kích cỡ bằng 1/5 đường kính sợi tóc của người nên những người tìm vàng sẽ không có cơ hội tìm thấy vận may ở đây. GS Lintern cho biết sẽ phải cần đến 500 cây bạch đàn sống trực tiếp trên một mỏ vàng để có đủ số vàng cho một chiếc nhẫn cưới. Tuy nhiên, do cây bạch đàn rất phổ biến ở Australia, phát hiện này có thể mang đến cho các tập đoàn khai thác vàng một giải pháp thăm dò rẻ và an toàn với môi trường hơn các phương pháp hiện nay. 

“Bằng cách thu thập và phân tích các mẫu thực vật để tìm kiếm dấu vết khoáng vật, chúng ta có thể biết được các yếu tố dưới lòng đất mà không phải khoan thăm dò. Nó là cách nhắm tới việc tìm kiếm quặng rẻ và không hại môi trường”. 

Theo các nhà nghiên cứu ở CSIRO, kĩ thuật chụp ảnh X-quang này cũng cho biết về sự có mặt của các kim loại khác trong lá cây, mở ra khả năng sử dụng kĩ thuật này để phát hiện các mỏ quặng kim loại như kẽm và đồng.
 

Phan Hạnh Theo National Geographic

Nguồn: Dân Trí