Tinh Hoa

Địa ngục trần gian của các nam nô lệ ở Anh

Sau khi Darrell Simester, lúc đó 30 tuổi, mất tích trong kỳ nghỉ ở một khu vui chơi bên bờ biển phía nam xứ Wales hồi tháng 8/2000, gia đình anh không còn hay tin gì về người đàn ông này nữa trong suốt nhiều năm trời.

Tuy nhiên, họ chưa bao giờ ngừng tìm kiếm Simester – một con người “dễ bị tổn thương” và “nhút nhát”. Và nỗ lực của họ cuối cùng đã được đền đáp 13 năm sau đó.

Vào tháng 3/2013, tin nhắn từ một người ẩn danh đã dẫn gia đình Simester tới một nhà xe lưu động trong một khoảng sân yên tĩnh ngay bên ngoài Cardiff, thủ phủ xứ Wales. Tại đó, họ tìm được người thân, giờ đã 43 tuổi, trong bộ quần áo ránh nát và đã rụng hết răng.  

Darrell Simester

Vụ việc của Simester đã dẫn tới một chiến dịch lớn của cảnh sát với mật danh Chiến dịch Imperial. Trong các cuộc truy quét của cảnh sát hồi tháng 9, hai người đàn ông khác gồm một công dân Ba Lan và một người Anh cũng được phát hiện sống trong cảnh nô lệ tồi tệ gần địa điểm tìm thấy Simester.

Cảnh sát đã bắt giữ 3 đối tượng và những người này đang phải đối mặt với tội giam giữ người trái phép, âm mưu bắt giữ người khác làm nô lệ và bắt người khác làm việc.

Theo một thông báo của Bộ Nội vụ Anh, vụ việc là một “lời nhắc nhở kinh hãi” về quy mô của tình trạng nô lệ đã tái xuất hiện ở vương quốc này. Một báo cáo ngày 17/10 của tổ chức Chỉ số Nô lệ toàn cầu (Global Slavery Index) ước tính có khoảng 4.000 người đang làm nô lệ ở Anh – và nhiều hành động hơn nữa cần được thực hiện để giúp đỡ họ.

Trong khi nô lệ – hay nạn buôn người – thường được nghĩ đến với khái niệm các nạn nhân là nữ bị bóc lột tình dục, thống kê cho thấy tỷ lệ giữa hai giới là tương đối bằng nhau. Trong số 2.255 nạn nhân bị buôn bán được xác định ở Anh năm 2012 thì có tới 40% là nam giới. Ngoài tình dục, nạn buôn người vì lợi nhuận tài chính có thể liên quan đến lao động cưỡng bức, hầu hạ trong gia đình và thậm chí lấy nội tạng.

Năm 2012, khoảng 87% trong tổng số 507 nạn nhân tiềm ẩn của nạn bóc lột lao động ở Anh là nam giới.

Nếu xét nạn buôn người trên phạm vi toàn cầu thì đây là hoạt động lợi nhuận đứng thứ 3 về tội phạm có tổ chức sau ma túy và vũ khí.

Tính đến tháng 6/2012, Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính 20,9 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức và bóc lột tình dục trên toàn thế giới. Năm 2012, Báo cáo Toàn cầu của Liên Hợp Quốc về buôn người cho biết, đàn ông và các bé trai chiếm khoảng 25% số nạn nhân bị buôn bán được phát hiện trên toàn cầu.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng các thống kê chính thức chỉ là “phần nổi của tảng băng” vì tội phạm nhìn chung hoạt động vô cùng tinh vi.

Nhận thức về nạn nô lệ nam giới ở Anh đã nâng cao trong vài năm trở lại đây, chủ yếu nhờ cảnh sát tăng cường hoạt động và ngày càng nhiều các nạn nhân được tìm thấy.

“Trong trường hợp nạn nhân là các công dân Anh thì họ thường có bệnh về sức khỏe tâm thần, thất học hoặc có vấn đề về ma túy bia rượu. Còn đàn ông Đông Âu thì tới Anh để tìm kiếm một cuộc đời tốt hơn nhưng rốt cục lại thấy mình ở trong tình cảnh khác xa so với tưởng tượng. Họ càng gặp nhiều khó khăn hơn vì rào cản ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa khiến họ khó mà hiểu nổi những gì đang diễn ra với bản thân và cách thức giải quyết”, Gayle Munro, giám đốc nghiên cứu tại Salvation Army, cho biết.

Giống như Simester, Mark Ovenden, 27 tuổi, là một người vừa thoát khỏi cảnh đời nô lệ hiện đại. Trả lời phỏng vấn của báo TIME, anh nhớ lại mình được một gia đình người Ai Len đề nghị cung cấp chỗ ở và việc làm ngay bên ngoài thị trấn quê hương của anh ở miền nam nước Anh.

Lúc đó, vào tháng 9/2009, Ovenden đang thất nghiệp nên đã quyết định chộp lấy cơ hội này. Nhưng mọi thứ không như Ovenden tưởng. Vào giữa tháng 9/2009 và tháng 4/2010, anh chuyển cùng gia đình kia tới nhiều nơi khác nhau ở Anh, Hà Lan và Thụy Điển, nơi anh bị buộc phải làm việc mà không được trả một đồng nào. Công việc – vác đồ đạc và dọn ngõ – mang tính chân tay, lặp đi lặp lại và kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Không lâu sau đó, Ovenden trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào những người chủ của mình.

Vào tháng 4/2010, Ovenden rốt cuộc đã trốn thoát được để tới đồn cảnh sát nhờ giúp đỡ khi anh đang ở Thụy Điển. Sau đó, anh thừa nhận đã mất một khoảng thời gian dài để học cách tin tưởng người khác trở lại. Và cuối cùng anh cũng đã xây dựng lại được cuộc đời mình và hiện đang làm việc với một số tổ chức từ thiện chống nô lệ ở Anh.   Theo Thanh Hảo (VietNamNet)