“Nghe tiếng cây đổ mà lòng tan nát. Cả đêm không ngủ, tui ứa nước mắt cầu trời cho cây không bị làm sao. Nhưng đến sáng ra đi xem vườn thì tất cả đã như mất sạch”.
Đến huyện miền núi Nam Đông vào chiều 15/10 sau khi cơn bão 11 vừa mới đi qua, thiệt hại chính ở huyện này là cây cao su – “vàng trắng” của vùng đất này. Hộ ông Trần Hữu Quang (thôn 10, xã Hương Hòa) đã bị đổ gãy hết gần 300 cây cao su đang thời kỳ thu hoạch. Ước chừng mỗi tháng ông Quang thu từ 3 đến 5 triệu đồng tiền mủ cao su. Số tiền này để nuôi 2 đứa con đang còn đi học.
“Chừ đổ hết rồi tui không biết làm sao nữa. Nhà còn nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng chưa trả. Những thân cây đổ răng rắc trong đêm tối, rạng sáng. Chúng tôi không biết phải làm răng. Nghe tiếng cây đổ mà lòng tan nát. Cả đêm không ngủ, tui ứa nước mắt cầu trời cho cây không bị làm sao. Nhưng đến sáng ra đi xem vườn thì tất cả đã như mất sạch” – ông Quang xót xa.
Ở vườn của chị Nguyễn Thị Hòa (59 tuổi, ở cùng xã Hương Hòa) với 1 hecta cao su đã bị bão làm gãy hết gần như toàn bộ. Dẫn chúng tôi vào vườn cao su đang còn tươm nhựa trắng. Những gốc cây to, mập chỉ mới trồng 7 năm chứng tỏ bàn tay khéo léo, nguồn đất tốt tươi ở đây. Nhưng giờ đây đã không còn gì. Mỗi tháng chị Hòa thu vào được từ 10 đến 15 triệu cho 1 hecta mủ. Số tiền đó để nuôi con, giúp chồng và trang trải phí sinh hoạt gia đình. Ngồi bần thần bên vườn cao su đổ rạp như vừa bị bom đạn dội trúng, chị Hòa không nói nên lời.
Rất nhiều trường hợp khác như chị Ngô Thị Thu với 3 hecta đã bị đổ ngã, ông Dương Đình Nhót hơn 1 hecta… đi đâu cũng thấy cao su ngã rạp mà xót cả lòng. Hầu hết bà con đều đang mắc nợ từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội. Cơn bão Xangsane 2006 đã từng thổi bay hơn 600 hecta cao su ở đây. Nay tình trạng trên lại tái diễn làm bà con chưa thu hoạch được vài mùa mà phải mất hết, vì bão.
Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông trao đổi nhanh, thống kê ban đầu, có hơn 160 hecta cao su của 3 xã Hương Giang (30ha), Hương Phú (hơn 40ha), Hương Hòa (50ha) bị gãy, đổ, bật gốc. Huyện có hướng xóa đói giảm nghèo là cây cao su. Nay tâm lý người dân không biết trồng gì ngoài cao su.
“Trước mắt sẽ phối hợp cùng Ban chỉ huy quân sự tỉnh đến dựng gốc cao su lên (đối với cây bật gốc) để chăm sóc. Khoảng 3 năm sau có thể thu hoạch được dù năng suất giảm bằng một nửa khi trước. Các cây gãy ngang thì cưa lại, sau bôi thuốc có thể ra chồi lại. Mong nhà nước quan tâm khoanh nợ, giãn nợ cho dân trồng cao su bị thiệt hại do bão” – ông Bình nói.
Hiện toàn huyện Nam Đông có khoảng 3.585 hecta cao su, trong đó số đưa vào khai thác là hơn 2.000 hecta. Ước tính mỗi hộ ở huyện có khoảng 0,5 hecta; tổng số dân có cao su là hơn 60.000 hộ. Đây là huyện trồng cao su nhất nhì tỉnh TT-Huế và bị thiệt hại khá nặng trong trận bão số 11 vừa quét qua.
Bão số 11 cũng gây ra thiệt hại cho huyện trên 27 tỷ đồng. Ngoài cây cao su chính, còn bị gãy đổ hơn 370 ha keo. Chuối bị thiệt hại hơn 60ha. Các đường dây điện trung và hạ thế bị đứt; và hơn 60 nhà bị tốc mái.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận của PV Dân trí chiều 15/10 tại Nam Đông:
Những gốc cao su rất to bị gãy lìa ngang thân
Những dòng nhựa trắng rỉ ra như máu
Những gốc cây bằng một người ôm
Một số nhà bị cây đè vào làm sập mái.
Đại Dương / Nguồn: Dân Trí