Tinh Hoa

Cuộc tranh chấp “đất hiếm”

Một nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa qua được sử dụng như thứ vũ khí trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản, đó là loại nguyên liệu có tên ‘đất hiếm’.

AFP PHOTO

Đất hiếm ở cảng Liên Vân, phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, chở xuất khẩu sang Nhật Bản, ảnh chụp ngày 05 tháng 9 năm 2010.

Đây là một khoáng sản quí vì được sử dụng trong công nghệ cao sản xuất ra những thiết bị hiện đại, từ những chiếc máy iPods cho đến TV màn hình phẳng, cũng như những xe điện…

Tuy nhiên việc  khai thác khoáng sản ‘đất hiếm’ đang gây ra những tác hại đến môi trường đáng kể tại Hoa Lục; trong khi có những nơi có nguồn tài nguyên đó nhưng vì để tránh những hệ quả gây ra những thiệt hại lớn hơn nguồn lợi thu về, nên ngưng khai thác.

Trong chuyên mục Khoa học – Môi trường kỳ này, mời quí vị theo dõi những thông tin liên quan loại ‘đất hiếm’ quí giá đó.

Khai thác ảnh hưởng môi trường

Từ ‘đất hiếm’ được dịch theo tiếng Anh ‘rare earth’. Thông thường trong ngôn ngữ tiếng Việt ‘hiếm’ thường đi đôi với từ ‘quí’.

Tự điển mở trên mạng (Wikipedia) trích dẫn định nghĩa của Liên đoàn Quốc tế Hóa học Ứng Dụng ( IUPAC) về các nguyên tố và kim loại đất hiếm như sau: đó là tập hợp 17 nguyên tố hóa học theo bảng tuần hoàn của Mendeleev, có tên gọi scandi, yttri, và 14 trong 15 của nhóm Lantran (loại trừ promethi), có hàm lượng rất nhỏ trên trái đất.

Chúng ta nhượng công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho phía Trung Quốc, rồi chuyển sang đó tận dụng chi phí sản xuất thấp. Nhưng theo ý tôi, đó là một sai lầm nghiêm trọng.

Ô. Jack Ligton

Cơ quan Thương hiệu & Bằng sáng chế của Hoa Kỳ, USPTO, thì xếp ‘đất hiếm’ vào dạng hợp kim và các hợp chất khác.

Các nguyên tố đất hiếm có thể tìm thấy trong những lớp trầm tích, các mỏ quặng và đất đen. 

Wikipedia cho rằng Việt Nam cũng là nơi được đánh giá có trữ lượng đất hiếm chừng 10 triệu tấn. Điạ bàn phân bố rải rác tại các quặng mỏ vùng Tây Bắc, và trong cát đen dọc theo ven biển miền Trung Việt Nam.

Một câu chuyện cụ thể về tình trạng khai thác đất hiếm gây họa thế nào được hãng thông tấn AFP kể lạ hồi đầu tháng năm vừa qua. Theo đó khu đất trồng bắp, khoai tây và lúa mì của người nông dân Vương Thao trước đây nay chỉ còn lại là một bãi đất hoang khô cằn đầy rác thải, nằm không xa bãi chứa chất thải của môt đơn vị khai thác đất hiếm.

Nhà của người nông dân Vương Thao ở vùng gần thành phố Bao Đầu, thuộc Khu vực Tự trị Nội Mông. Khu vực này là nơi được cho biết có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới.

Không chỉ đất, mà bản thân người dân sống cách khu khai thác đất hiếm rộng khoảng 10 kilômét vuông, cho biết họ bị rụng răng và tóc bạc sớm. Kết quả các cuộc thử nghiệm cho thấy đất và nước vùng họ sinh sống bị nhiễm nặng các chất phóng xạ gây ung thư.

 
Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. AFP PHOTO. 

 

Ông nông dân họ Vương, năm nay đã 60 tuổi, nói với phóng viên AFP rằng dân làng chính là nạn nhân bởi họ phải dùng loại thực phẩm và nguồn nước bị nhiễm độc.
Các nhóm hoạt động vì môi trường lâu nay lên tiếng chỉ trích hoạt động khai thác, xử lý đất hiếm. Lý do hoạt động công nghiệp đó thải ra môi trường tự nhiên những hóa chất độc hại, và chất phóng xạ thorium và uranium. Thorium là một sản phẩm phụ trong quá trình xử lý đất hiếm.  Những loại hóa chất độc hại và chất phóng xạ đó có thể gây ung thư cho con người và quái thai nơi sản phụ.

Một nghiên cứu được tiến hành hồi năm 2006 cho thấy tỷ lệ thorium trong đất ở khu làng của ông Vương Thao, cao gấp 36 lần đối với những nơi khác tại thành phố Bao Đầu.

Tờ National Business Daily xuất bản bằng tiến Anh của Trung Quốc số ra hồi tháng 12 năm ngoái trích dẫn thừa nhận của các giới chức điạ phương về tình trạng người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các chất thải từ quá trình khai thác đất hiếm gây nên. Từ năm 1993 đến năm 2005, sáu mươi sáu người tại làng ông Vương Thao chết vì ung thư, và năng suất nông nghiệp của làng giảm sút đáng kể.

Tổ chức Hoà Bình Xanh tại Hoa Lục cho biết mọi khâu trong quá trình khai thác và xử lý đất hiếm đều gây hại dữ dội cho môi trường.

Một cựu quan chức Viện Nghiên cứu và Công nghiệp của Trung quốc thừa nhận là nguồn lợi thu được từ bán đất hiếm không thể nào có thể đủ để giúp cải tạo môi trường bị hủy hại do khai thác loại đất hiếm.

Nhu cầu 55.000 tấn/năm

Trung Quốc hiện đang thống lĩnh thế giới trong lĩnh vực khai thác và sản xuất khoáng sản gọi tên là ‘đất hiếm’. Đây là những loại vật liệu thiết yếu để sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp cao như các loại điện thoại thế hệ mới thông minh, turbine gió, các loại pin mặt trời, nam châm chuyên dụng, cũng như các hệ thống cho vũ khí đời mới.

Thống kê cho thấy trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc chỉ chừng 30% loại này trên thế giới, thế nhưng số đất hiếm Trung Quốc sản xuất ra chiếm hơn 95% sản lượng toàn thế giới. Hai phần ba của lượng đất hiếm đó của Trung Quốc được chế biến tại khu vực thành phố Bao Đầu. Nơi này nắm sát với sa mạc Gobi.

Năm ngoái Trung Quốc xuất khẩu 32.000 tấn đất hiếm. Nhu cầu của thế giới lên đến 55.000 tấn.

Khai thác đất hiếm bất hợp pháp được dân chúng tiến hành bằng cách sử dụng acid đổ vào đất núi. Một khi làm như thế rồi thì không có gì có thể sống trên vùng đất đó nữa cả.

Bà Cindy Hurst

Hồi năm ngoái sau đợt Trung Quốc ngưng sản xuất đất hiếm sang Nhật, và gần đây lại cho biết sẽ giới hạn nguồn cung ứng, một số nhà phân tích tình hình liên quan có ý kiến liệu Hoa Kỳ có nên tái tục hoạt động sản xuất thứ nguyên liệu hiếm quí đó.

Tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ hồi ngày 6 tháng tư năm nay, ông Jack Ligton, sáng lập viên của nhóm Nghiên cứu Kim loại Công nghệ, nhắc lại rằng Hoa Kỳ từng thống lĩnh ngành sản xuất đất hiếm với chừng 550 ngàn tấn trong thời kỳ từ năm 1950 đến năm 2008. Ông nói:

“Chúng ta đã ngưng sản xuất đất sạch hồi hăm 2002, ngưng hoàn toàn từ năm ấy, và sau đó Hoa Kỳ bắt đầu nhập đất sạch từ Trung Quốc.”

Cũng theo ông Lifton thì Trung Quốc hiện là nước sản xuất đất hiếm với chi phí thấp; trong khi đó nước này đã có quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ sản xuất ra những thiết bị làm từ đất hiếm mà do Hoa Kỳ sáng chế ra.

Nguyên văn phát biểu của ông Lifton như sau: “Chúng ta nhượng công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho phía Trung Quốc, rồi chuyển sang đó tận dụng chi phí sản xuất thấp. Nhưng theo ý tôi, đó là một sai lầm nghiêm trọng.”

Cũng theo ông Lifton, dù nay Hoa Kỳ có muốn tái tục lại ngành công nghiệp đất hiếm, vẫn cần phải có một vài năm trước khi đi đến hoạt động sản xuất thực sự.
Ônh này cho rằng có một dự báo không chính xác đó là thông tin nói Trung Quốc sẽ cho tăng giá đất hiếm xuất khẩu với lý do tình trạng thiếu hụt và các vấn đề môi trường.

Ông lý giải: “Tôi không tin chút nào vào lời của một kinh tế gia Trung Quốc nói với tôi về chi phí ở Hoa Lục. Lý do theo tôi là họ không biết và cũng vì chính sách của Trung Quốc không phải là chính sách cởi mở.”

Theo ông này thì trong bất cứ mọi trường hợp sản phẩm công nghệ cao với những thành phần đất hiếm trong đó do Trung Quốc làm ra rồi bán sang Hoa Kỳ, chi phí sản xuất của chúng vẫn sẽ thấp hơn nếu được chế tạo ở ngay trên đất Mỹ.

 
Ảnh chụp kho dự trữ quặng đất hiếm của tập đoàn Lynas Corporation tại mỏ Mount Weld phía Tây nước Úc. AFP PHOTO. 

 

Chuyên gia nghiên cứu Quân sự Hoa Kỳ, Cindy Hurst, thì cho rằng hiện Trung Quốc dẫn đầu trong các nỗ lực nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực đất hiếm. Một thế hệ những khoa học gia Hoa Kỳ tập trung nghiên cứu đất hiếm đã già về hưu và có người đã qua đời rồi.

Trong khi đó, ngược lại, Trung Quốc đã thiết lập ra những phòng thí nghiệm và các chương trình quốc gia cấp cao chuyên nghiên cứu lĩnh vực đất hiếm.

Bà Hurst phát biểu: “Các chương trình nghiên cứu đất hiếm của Trung Quốc là chương trình do nhà nước điều hành được cấp nhiều triệu đô la. Mục tiêu rõ ràng nhằm thu ngắn cách biệt giữa Trung Quốc với thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu đất hiếm. Từ đó, nước này đã có được chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.”

Bà này nhắc lại từ năm 1992, lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc từng nói Trung Đông có dầu mỏ, thì Trung Quốc có đất hiếm. Điều đó chứng tỏ từ lâu Bắc Kinh đã mưu tìm vị thế thống lĩnh thị trường thế giới về mặt hàng đất hiếm.

Dẫu thế, Trung Quốc cũng có quan ngại về những tác động môi trường do việc khai thác đất hiếm gây ra. Tình trạng xảy ra ở tỉnh Giang Tây là một điển hình cho tình trạng khai thác đất hiếm dẫn đến hủy hoại môi trường.

Bà Cindy Hurst nói: “Thực chất, những hoạt động khai thác đất hiếm bất hợp pháp được dân chúng tiến hành bằng cách sử dụng acid đổ vào đất núi. Một khi làm như thế rồi thì không có gì có thể sống trên vùng đất đó nữa cả.”

Trung Quốc từng cho biết muốn giảm các khu khai thác đất hiếm từ số 100 xuống còn 10 mà thôi; và số cơ sở chế biến cũng từ 70 xuống còn chừng 20.
Theo bà Hurst, Nhật bản là nước bị tác động bởi việc Trung Quốc kiểm soát nguồn xuất khẩu đất hiếm nên đã rất cật lực tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho đất hiếm.

Cho đến khi nào những loại thay thế đó được tìm ra thì Trung Quốc vẫn duy trì lợi thế quyết định trong nhiều lĩnh vực, kể cả công nghệ quân sự.

Đất hiếm tại Việt nam

Malaysia hồi ngày 22 tháng tư vừa qua cho biết họ sẽ mời những chuyên gia độc lập đến để đánh giá tác động môi trường của một nhà máy xử lý đất hiếm dự kiến do Australia sẽ xây dựng tại nước này. Lý do là dân chúng Malaysia phản đối mạnh mẽ bởi theo họ dự án đó sẽ thải ra nhiều chất thải phóng xạ nguy hiểm.

Tôi không tin lời của một kinh tế gia Trung Quốc về chi phí ở Hoa Lục. Lý do theo tôi là họ không biết và cũng vì chính sách của Trung Quốc không phải là chính sách cởi mở.

Ô. Jack Ligton

Bộ truởng Thương Mại Mustapa Mohammad của Malaysia cho biết ủy ban đó sau một tháng điều tra phải trình báo cáo lên do chính phủ.

Cũng tại Malaysia hồi năm 1992, chính quyền Kulala Lumpur phải đóng cửa một nhà máy xử lý đất hiếm do Nhật Bản xây dựng.

Khác với số liệu mà Wikipedia về trữ lượng đất hiếm của Việt Nam như đã nêu trong bài chừng 10 triệu tấn, Tổng Cục Điạ chất Việt Nam được mạng khoahocphothong.com nói số đó từ 7- 8 tỷ tấn. Tờ Tuổi Trẻ số ra đầu tháng 11 năm ngoái nói rằng đất hiếm Việt Nam đứng hàng thứ ba thế giới. Và Việt Nam từng hợp tác với nước ngoài để khai thác đất hiếm từ năm 1960. Và tờ báo này lại nêu con số về trữ lượng là 22 triệu tấn.

Sau vụ Trung Quốc gây khó khăn cho Nhật bản về vấn đề đất hiếm vì hai phía tranh chấp chủ quyền tại khu vực quần đảo mà Hoa Lục gọi là Điếu Ngư, và Nhật gọi là Senkaku, bộ trưởng Thương Mại Nhật Bản Akihiro Ohata cho biết Việt Nam là mỏ đất  hiếm tiềm năng. Tokyo và Hà Nội sẽ bàn bạc với nhau về vấn đề khai thác đất hiếm.

Bài học của Trung Quốc về thảm họa môi trường do khai thác đất hiếm gây ra đang còn ‘tươi nguyên. Nhiều nước cũng vì tác hại môi trường khôn lường nên phải rút ra khỏi ngành này, nay Việt Nam như thể lại muốn bước vào.

Câu chuyện khai thác bôxít ở Tây Nguyên sẽ là tai họa cho môi trường vẫn chưa được giải quyết, nay lại đến tin đất hiếm của Việt Nam sẽ được lấy lên để đem bán cho nước khác trong cơn sốt loại nguyên liệu đó hiện nay khiến cho giới môi trường thêm lo lắng.

Mục Khoa học – Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Theo rfa