Người Trung Quốc cho rằng nếu hình phạt tử hình không áp dụng cho các quan chức thì cũng đừng áp dụng nó với người dân.
“Tôi sẽ không phục tùng”!
Đó được cho là những lời nói cuối cùng của Hạ Tuấn Phong (Xia Junfeng), người bán thịt nướng rong ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngay trước khi anh này bị xử tử ngày 25/9 vừa qua.
Bốn năm trước đây, trong một hành động được coi là để tự vệ, Hạ Tuấn Phong đã đâm chết 2 nhân viên quản lý đô thị và làm bị thương 1 người khác.
Phần lớn người dân Trung Quốc, trong đó có nhiều chuyên gia luật pháp đều cho rằng, đáng ra anh Hạ chỉ nên bị tội “tự vệ quá mức” nhưng sau 4 năm kháng cáo, cuối cùng Tòa án Tối cao đã đưa ra mức án tử hình.
Vụ việc của Hạ Tuấn Phong một lần nữa đã làm bùng phát chủ đề thảo luận từng rất nóng bỏng trong công chúng Trung Quốc là phải chăng đã đến lúc nước này cần bãi bỏ án tử hình.
Vì sao vậy?
Nhiều người dân Trung Quốc tỏ ra bất bình với những bản án tử hình treo dành cho nhân vật có tiếng tăm ở Trung Quốc như bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. |
Nhiều người cho đó chính là vấn đề phân chia tầng lớp mới ở Trung Quốc: án tử hình là “đặc quyền” dành riêng cho tầng lớp “thân cô thế cô”.
Sự phẫn nộ của công chúng trước hết đến từ nghịch cảnh: Hạ là người bán hàng rong, 2 người bị anh này giết chết là dân phòng. Ở Trung Quốc, việc người bán dạo bị dân phòng đánh chết không phải là không có nhưng việc thực thi án tử hình thì rất hiếm, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ được thực thi.
Không nói đâu xa, hai năm trước đây cũng ở Liêu Ninh, 3 dân phòng đánh chết một ông lão, họ cũng chỉ bị kết án, cao nhất là 11 năm và thấp nhất là 3 năm tù.
Lý do thứ hai khiến dân chúng tức giận đó là tâm lý cảm thấy luật pháp đang trở nên quá bất bình đẳng.
Nhiều người so sánh Hạ Tuấn Phong với Cốc Khai Lai, vợ của chính trị gia “ngã ngựa” Bạc Hy Lai. Giết hại doanh nhân người Anh nhưng bà Cốc chỉ bị kết án “tử hình treo”, nghĩa là sớm muộn gì bà này cũng sẽ được “ân xá” vì lý do y tế nào đó.
“Nếu tử hình chỉ để trừng phạt người dân, tốt nhất là xóa bỏ”, một cư dân mạng tức giận nói.
“Nếu anh là quan chức, thậm chí nhận hối lộ cả trăm triệu đô la, cao lắm anh cũng chỉ bị tù chung thân. Nếu anh là quan chức, có giết người nước ngoài, anh cũng chỉ bị tử hình treo. Nếu anh là quan chức, thậm chí ở cái chức vụ mạt hạng nhất, khi đánh ai đó đến chết thì anh cũng chẳng sao vì cấp trên đã dùng thuế của dân để trả cho gia đình nạn nhân rồi”.
Cư dân mạng này đã đề nghị bãi bỏ án tử hình và nói thêm một cách đầy chua chát: “Nhưng nếu anh chỉ là một công dân quèn, anh không có quyền tự vệ và tất nhiên, anh sẽ bị xử tử”.
Nhiều người Trung Quốc ủng hộ án tử hình cho rằng, có thể đó vẫn là hình phạt cần thiết, nhất là khi áp dụng để trừng trị các quan chức tham nhũng.
Nhưng vụ án của Hạ Tuấn Phong thậm chí khiến những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cũng phải suy nghĩ lại.
“Tôi từng ủng hộ việc áp dụng có giới hạn án tử hình vì tôi hy vọng hình phạt này có thể kiểm soát được tham nhũng”, Phó hiệu trưởng một trường luật thuộc Đại học Tổng hợp Khoa học và Luật pháp chính trị Trung Quốc nói.
“Lưu Chí Quân (cựu Bộ trưởng Đường sắt) bị kết án tham nhũng nhưng không bị tử hình. Cốc Khai Lai cũng thoát án tử hình…Trong khi đó, Hạ Tuấn Phong lại bị xử tử…Nếu hình phạt tử hình không áp dụng cho các quan chức thì cũng đừng áp dụng nó với người dân”. Theo Trung Phạm (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)