Hàng năm vào thời điểm này, những hộ sống bằng nghề buôn bán xung quanh khu vực núi Cấm cùng cánh xe ôm thu nhập kém vì đã hết mùa lễ hội. Năm nay, sau sự cố đá lăn, đường lên núi Cấm bị phong toả, họ càng thất thu hơn.
Hàng quán quanh núi Cấm ế ẩm
Đến núi Cấm vào những ngày này như một điểm du lịch “bỏ hoang”. Khách du lịch lèo tèo, thưa thớt. Hai bên đường các hàng quán, bãi giữ xe đều rơi vào thảm cảnh “vườn không nhà trống”. Chị Mai Thị Hây – chủ một quán ăn dưới chân núi Cấm – buồn thiu: “Tuy không phải mùa lễ hội nhưng mấy năm trước thời gian này bán một ngày cả 100 đĩa cơm. Còn bây giờ, sau vụ lở đá vào tháng 5/2012 vốn đã ít khách, giờ cấm đường càng thê thảm hơn”.
Do sự cố đá lăn, một lần nữa đường lên “nóc nhà đồng bằng” lại bị phong toả
Theo chị Mây, từ vụ tai nạn đá lăn năm ngoái, nhiều hộ kinh doanh đã phải bỏ buôn bán đi làm thuê. Nay thêm vụ này, việc làm ăn càng khó khăn hơn. Từ chân núi tới trên núi Cấm, các hàng quán đều vắng hoe, quán ăn, giải khát còn đỡ, hàng bán quà lưu niệm “tê liệt” hoàn toàn.
Chị Mai – một hộ kinh doanh đồ lưu niệm gần tượng Phật Di Lặc – cho biết, Năm nay quả là một năm buôn bán khó khăn. Nhất là thời gian này, du khách đã vắng, cộng với đường lên núi bị cấm nên sáng mở tiệm, chiều dọn hàng vô, may lắm cũng chỉ kiếm đủ tiền bữa cơm.
Vào mấy ngày này, hàng quán quanh núi Cấm vắng tanh
Tài xế xe ôm hết đường kiếm cơm
Khoảng 8 giờ sáng, PV Dân trí có mặt tại cổng soát vé vào khu du lịch núi Cấm, có hơn chục thanh niên túc trực khu vực này đón khách. Khi thấy khách, các thanh niên vội nổ máy, í ới mời gọi, tranh giành chộn rộn cả khúc đường, khiến du khách không khỏi khó chịu.
Anh Út Bé trong nhóm xe ôm tự phát phân trần: “Tụi em trong nghiệp đoàn xe ôm núi Cấm, có đồng phục, bảng tên đàng hoàng. Nhưng vì đường lên núi bị “bế quan” nên tụi em ra bên ngoài kiếm cơm. Khi ra đây chạy thì ai nhanh chân, mạnh miệng mới có khách”.
Anh Linh – chung đội xe ôm với anh Út Bé – than thở: “Núi Cấm đang mùa ế khách, gặp thêm cảnh đường bị cấm nên dân sống bằng nghề chạy xe ôm tụi tui mấy ngày qua đói meo râu luôn. Một số anh em nhà có vườn, tạm nghỉ về nhà chăm sóc vườn tược, riêng anh em tụi tui chỉ có “con ngựa sắt” này đẻ ra tiền nên dù thế nào cũng phải bám đường kiếm cơm”.
Anh Linh than, trong nghiệp đoàn đã có hơn 800 người, bây giờ tranh nhau có mấy người khách làm sao sống nổi.
Nguồn: Dân Trí