Theo lời đồn thì một kg kỳ nam, chỉ là gỗ và tinh dầu mà có giá tới 9 tỷ đồng, đắt hơn cả vàng ròng. Vậy kỳ nam là thứ gì và dùng để làm gì mà đắt khủng khiếp như vậy?
Kỳ 2:
Đứng bên cây dó bầu trồng trước nhà, GS-TS Đinh Xuân Bá nói câu rất hình ảnh: “Trong đau thương dó biến thành trầm”. Sự hình thành của trầm, kỳ khiến con người suy tư về lẽ sinh tồn.
Theo dân gian, cách tạo trầm, kỳ của cây dó rất đặc biệt. Theo đó, hương trời theo gió quấn quýt thân cây dó bầu. Thứ hương trời đó cứ ngấm dần vào da, ăn dần vào thịt cây. Trầm, kỳ chính là thứ hương trời thấm đẫm trong lõi cây dó.
GS. Đinh Xuân Bá và công nhân trong trang trại dó bầu của ông ở Hà Tĩnh. |
Chuyện khác kể rằng, do thân cây dó bị bọng, loài ong, kiến làm tổ ở đó, tha mật về ăn. Hương mật ngấm vào thịt cây dó lâu ngày rồi hòa trộn với nhựa cây mà kết thành trầm hương, kỳ nam.
Đấy là chuyện kể của dân gian, còn khoa học đã lý giải cặn kẽ quá trình tạo trầm. Trầm hương và kỳ nam là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây dó bầu. Nhưng không phải cây nào cũng cho trầm. Cả ngàn cây mới có một cây cho trầm, cả triệu cây mới có cây cho kỳ. Những cây cho trầm, kỳ thường là những cây bị thương tích. Khi cơ thể cây dó bị thương, cây sẽ tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, và thứ nhựa đó là trầm, kỳ.
Cây dó bầu trên trăm năm tuổi ở Tiên Phước, Quảng Nam. |
Việc cây dó tạo trầm như thế nào vẫn là điều bí hiểm, đã có cả trăm lý giải, song chưa lý giải nào hoàn thiện. Tuy nhiên, theo GS. Đinh Xuân Bá, qua nghiên cứu tài liệu từ các nhà khoa học đầu ngành về trầm, kỳ ở nước ngoài thì nhiều khả năng trầm là một bệnh phẩm hay sản phẩm của sự nhiễm bệnh. Nói cách khác, nó là sản phẩm của phản ứng tự vệ của cây chống lại sự nhiễm bệnh.
Nếu chỉ giải thích như vậy thì cây dó bầu nào cũng có thể cho trầm, kỳ nếu cây bị thương tích. Mà để cây bị thương tích, là chuyện rất đơn giản. Một người khua dao múa kiếm trong một ngày có thể khiến cả ngàn cây dó thương tích đầy mình.
Vết thương trên những cây dó bầu có thể tạo trầm. |
Ngoài vết thương, thì sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích ở chỗ nào, do nguyên nhân nào, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc nhiễm các loài ký sinh nào trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó… Chính vì có nhiều yếu tố tác động mới khiến cây dó bầu hình thành trầm nên trong điều kiện tự nhiên rất khó để có thể tìm thấy một cây dó bầu cho trầm.
Cùng với việc nghiên cứu các tài liệu khoa học nước ngoài, GS. Đinh Xuân Bá cũng thường xuyên gặp gỡ những người trực tiếp đi tìm trầm để tìm hiểu thực tế. Những người có kinh nghiệm tìm trầm giải thích với ông rằng, những cây dó bầu nào cao 30-50m, lá đã vàng và nhỏ dần, thân cây có nhiều u bướu như tổ kiến, hoặc gốc có gò mối đóng thì cây dó đó có thể cho trầm hoặc cả trầm lẫn kỳ.
Một cục kỳ nam xịn, đắt hơn cả vàng ròng. |
Khi gặp những cây dó bầu có đặc điểm đó, người ta sẽ chặt hạ cây, đào hết cả rễ rồi xả nát ra để tìm trầm. Trầm, kỳ có thể ở ngọn cây, thân cây, gốc cây, thậm chí ở rễ cây.
Cũng có khi, bằng những kinh nghiệm dân gian, không cần thấy cây dó bầu, nhưng nghi ngờ quanh vùng từng có dó bầu, họ cũng tiến hành đào bới dưới lòng đất để tìm trầm, kỳ. Nếu cây dó bầu từng có trầm, nhưng cây đã chết, mục ruỗng, bị phân hủy hoàn toàn từ cả trăm năm trước, thì trầm, kỳ sẽ vẫn còn tồn tại trong lòng đất.
Kỳ nam loại chất lượng khá. |
Giới tìm trầm thường gắn những truyền thuyết, thần thoại vào thứ gỗ đặc biệt này. Họ tin rằng, trầm, kỳ là hóa thân của vị thần Thiên Y Ana. Vì thế, trước khi đi tìm “vị thần”, họ thường ăn chay mấy ngày, ngủ riêng với vợ, không gây gổ đánh nhau, không có ý nghĩ xấu. Tìm thấy cây dó bầu rồi, họ thường nhịn đói để giữ mình thanh khiết, tắm rửa sạch sẽ dưới suối, cúng thần rừng để tạ ơn trước khi hạ cây.
Trầm hương và kỳ nam đều hình thành trong lõi cây dó bầu và có cơ chế hình thành gần như nhau. Nếu tích tụ tinh dầu đậm đặc thì là kỳ. Do đó, kỳ nam nặng hơn trầm hương. Việc phân biệt trầm hương và kỳ nam vừa dễ lại vừa khó. Với trầm hương loại 4, loại 5, thì có thể phân biệt dễ dàng, nhưng trầm hương loại 1 thì chả khác gì kỳ nam, thậm chí, trầm hương loại 1 cũng chính là kỳ nam.
Kỳ nam chất lượng thấp. |
Các nhà khoa học phân biệt dựa vào chiết xuất tinh dầu và các nghiên cứu đo đạc cụ thể, song giới mua bán, săn trầm thì dựa vào kinh nghiệm dân gian. Trầm hương có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng, khi đốt khói lên hình vòng rồi tan nhanh trong không khí. Kỳ nam có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt. Kỳ nam chứa đậm đặc tinh dầu nên khi cháy khói lên thẳng và cao, bay lững lờ trong không khí rất lâu.
Tôi hỏi liệu trầm, kỳ có phải dược liệu hay không, GS – TS Đinh Xuân Bá lắc đầu không chắc chắn, vì chưa có nghiên cứu cụ thể về lĩnh vực này, cũng chưa thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, một số sách cổ có nhắc đến tác dụng chữa bệnh của trầm hương.
Chế tác trầm hương, kỳ nam. |
Theo đó, các thầy thuốc dùng trầm hương làm thuốc bổ thận, tráng dương, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều trị tiêu chảy, chống nôn mửa, hen suyễn, đau bụng, khó thở, thấp khớp. Ngoài ra, trầm hương còn có tác dụng giảm đau, hạ sốt, tăng sức đề kháng cho phụ nữ sau khi sinh.
Kỳ nam cũng có một vài tác dụng như trầm hương, như lợi tiểu, chữa đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, cảm mạo…
Với những khả năng phòng và chữa bệnh như vậy, nên đồng bào ở vùng có trầm kỳ thường sắc loại dược liệu này với nước uống hàng ngày như trà. Một số làng bản ở vùng cao tỉnh Khánh Hòa, đồng bào còn dùng cả cục kỳ nam bọc vào tấm vải treo ở cửa sổ với ý nghĩa trừ tà khí. Trẻ em thì được đeo một miếng ở cổ hoặc tay và người ta xem đó như “bùa hộ mệnh”.
Mẩu kỳ nam nặng 42,6g, được định giá 1.883USD. |
Trong các sách Đông y còn nói cả đến tác hại của trầm, kỳ. Theo đó, những phụ nữ mang thai mà uống tinh dầu trầm, kỳ sẽ bị trụy thai và những người suy nhược, suy gan, hỏa tính mà dùng trầm, kỳ sẽ có hại cho cơ thể…
GS – TS. Đinh Xuân Bá cũng thử ngâm trầm hương với rượu để dùng, song thực sự chất lượng và tác dụng thế nào thì chưa thấy rõ. Hiện ông mới chỉ dùng trầm hương vào 2 việc là làm nhang và chiết tinh dầu ngửi cho… vui. Ông thường làm đủ các loại hương vòng, hương que và những thỏi hương bé xíu, ngắn như đầu lọc thuốc lá tặng mọi người đốt cho thơm nhà. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tặng mọi người những lọ tinh dầu trầm nhỏ bằng ngón tay và tặng luôn chiếc máy phát tán hương trầm. Khi cắm điện, chiếc máy sẽ phát tán tinh dầu khiến căn phòng thơm mùi trầm.
Với người Việt, trầm, kỳ chỉ có những tác dụng vô cùng đơn giản như vậy mà thôi. Vậy người nước ngoài mua kỳ nam để làm gì mà chúng đắt hơn cả vàng ròng, trị giá đến gần chục tỷ đồng/kg?
Còn tiếp…
Phạm Sông Diêm