Syria đã giao nộp tất cả các dữ liệu về kho vũ khí hóa học của nước này cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) trước thời hạn chót là ngày 21.9 để tránh các cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài.
Hiện các chuyên gia OPCW đang kiểm tra các thông tin mà Syria cung cấp. Các chuyên gia an ninh cho rằng Syria sở hữu khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học. “Nút thắt” Syria, với sự hỗ trợ tích cực từ Nga, dường như đang được cởi bỏ, song phía Moscow cũng cho rằng, sẽ không có gì là tuyệt đối, nếu Nga phát hiện ra Tổng thổng Syria Assad gian dối trong việc cung cấp thông tin.
Binh lính phe đối lập ở Syria.
Chánh văn phòng điện Kremlin Sergei Ivanov cho biết, thông tin về kho vũ khí hóa học của Syria có thể sẽ được tiết lộ trong vòng một tuần. Theo ông Ivanov, có thể sẽ mất từ 2-3 tháng để quyết định xem thời gian để tiêu hủy các vũ khí hóa học của Syria là bao lâu. Ông Ivanov cảnh báo rằng quá trình này có thể sẽ rất phức tạp bởi quân đội Syria không nắm kiểm soát toàn bộ đất nước.
Tuy nhiên, thỏa thuận về giải trừ vũ khí hóa học hầu như không làm giảm bớt giao tranh trên chiến trường. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, ngày 21.9, các máy bay chiến đấu của quân chính phủ đã tấn công vào các mục tiêu trên cả nước, bao gồm các tỉnh Damascus, Aleppo và Hama.
Trong khi đó, phe đối lập Liên minh Dân tộc Syria đã từ chối đề xuất của Tổng thống Iran Hassan Rowhani muốn giúp nhóm này tiến hành đàm phán với chính quyền Syria vì cho rằng Tehran không thể làm trung gian hòa giải trong khi vẫn cung cấp hỗ trợ về chính trị, kinh tế và quân sự cho Tổng thống Assad. Phe đối lập Syria cho rằng, lời đề nghị này của Iran “không hề thành thật”.
Trong một diễn biến nguy hiểm khác, hàng trăm chiến binh thuộc nhiều băng nhóm ở Syria chiến đấu chống các lực lượng chính phủ của ông Bashar al-Assad đã chính thức tuyên bố chuyển sang các tổ chức liên quan trực tiếp với mạng lưới khủng al-Qaeda. Không chỉ cá nhân và các nhóm phiến quân, mà cả những cấu trúc quân sự đang ở phía bắc và phía đông của đất nước cũng đã công bố thuộc hệ tư tưởng này.
Điều đó làm phức tạp tình hình ở phía bắc và phía đông, nơi ảnh hưởng của những kẻ cực đoan là rất đáng kể. Đại diện của phe đối lập trong tỉnh Raqqa cho rằng: “Đó là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng liên tục về ảnh hưởng của các nhóm cực đoan. Toàn bộ khu vực cuối cùng có thể rơi vào tay của bọn khủng bố”.
Theo Mai Tiến Dũng (Dân Việt)