Giới chức Mỹ xác định nghi phạm thiệt mạng trong vụ xả súng tại Washington DC là quân nhân dự bị của hải quân Mỹ và mắc chứng trầm cảm sau sang chấn.
Aaron Alexis, hung thủ trong vụ xả súng tạiWashington DC. Ảnh: FBI |
BBC đưa tin, Aaron Alexis – một người đàn ông 34 tuổi ở Fort Worth, Texas – là người thiệt mạng trong vụ đấu súng với cảnh sát tại tòa nhà hải quân Mỹ. Alexis từng phục vụ trong lực lượng dự bị hải quân Mỹ thời gian 2007 – 2011. Các nhà điều tra chưa rõ bằng cách nào anh ta vượt qua hàng rào an ninh và vào trong tòa nhà.
Một quan chức giấu tên nói với Reuters rằng Alexis từng bị giải ngũ sau khi vi phạm một loạt “hành vi sai trái”. Giới chức cũng chưa làm rõ động cơ vụ tấn công. FBI đang kêu gọi công chúng cung cấp thêm thông tin về Alexis.
Ban đầu cảnh sát cho rằng hai nghi phạm khác tham gia vụ xả súng. Tuy nhiên, sau đó họ loại trừ nghi vấn đối với một người đàn ông da trắng mặc quân phục tay ngắn. Lực lượng an ninh vẫn đang truy tìm một người đàn ông da đen, khoảng 40 – 50 tuổi, mặc bộ đồ lính màu ôliu và một số người nhìn thấy người này mang súng trường.
Cha của Alexis nói rằng ông cảm thấy sốc khi nghe tin con trai tham gia vụ bắn giết. Ông cho hay, y từng làm công việc liên quan đến máy tính cho một công ty tư nhân sau khi rời khỏi quân ngũ. Alexis là một người đam mê văn hóa Thái Lan và hay thăm một ngôi chùa địa phương tại Texas. Ngoài ra, hung thủ còn tham gia công việc cứu hộ trong vụ khủng bố 11/9.
Theo Telegraph, hung thủ từng có tiền sử thực hiện bạo lực trong quá khứ và bị bắt trong 2 vụ việc khác nhau. Năm 2004, cảnh sát bắt Alexis tại Seattle sau khi dùng súng bắn vào lốp xe của một người đàn ông. 6 năm sau, y bị bắt ở Fort Worth, Texas vì dùng súng lục để dọa một người hàng xóm. Tuy nhiên, Alexis đều không phải vào trại giam trong 2 vụ án này.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin, Aaron Alexis mắc PTSD, chứng rối loạn stress sau sang chấn hay Hội chứng chấn thương tâm lý. PTSD là một rối loạn tâm lý, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi người bệnh phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc từ lâu.
Ký ức về quá khứ sợ hãi trỗi dậy trong người mắc chứng PTSD. Ảnh: Ibiblio.com. |
Bệnh hay gặp ở những người từng trải qua các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần hoặc/và thể chất như thiên tai, chiến tranh, bạo hành, tai nạn. Bệnh còn có tên khác là rối loạn stress sau chấn thương, theo phân loại nó thuộc nhóm bệnh liên quan đến stress.
Không phải người nào cũng có phản ứng stress thể hiện bằng bệnh cảnh stress sau sang chấn, mà tình trạng bệnh lý này có thể hình thành từ sự phối hợp nhiều yếu tố khác nhau.
Những năm gần đây, mức độ trầm trọng của stress sau sang chấn ở một số binh sĩ Mỹ đã làm dạng bệnh lý này được chú ý nhiều hơn.
Hồi đầu tháng 2, Eddie Ray Routh, một cựu lính thủy đánh bộ, đã bắn Kyle cùng một người đàn ông mang tên Chad Littlefield bằng khẩu súng ngắn bán tự động tại trường bắn Rough Creek Lodge, hạt Erath, bang Texas rồi lái xe tải của nạn nhân để trốn. Eddie Ray Routh cũng mắc chứng PTSD. Cảnh sát cho rằng Kyle và Littlefield đã tìm cách giúp Routh giải tỏa căng thẳng bằng cách đưa anh ta tới trường bắn.
Từ năm 2001 đến 2012, quân đội Mỹ phát hiện 103.792 quân nhân mắc chứng PTSD. Nhiều binh sĩ tham chiến tại các chiến trường như Việt Nam, Iraq, Afghanistan mắc chứng PTSD vì trải qua nhiều biến cố, chứng kiến nhiều cảnh chém giết khiến họ hứng chịu tổn thương về tinh thần dẫn đến trầm cảm, ám ảnh về quá khứ khiến người bệnh dễ trở nên kích động, khó kiểm soát hành vi.
Theo Bình An – Đỗ Quyên (Zing.vn/Tri Thức)