Đã có hơn 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại Ukraine, bao gồm cả số hành khách tử nạn trong vụ tai nạn máy bay MH17, một quan chức cấp cao về nhân quyền của Liên Hợp Quốc công bố hôm thứ Hai (8/9).
Ivan Simonovic, trợ lý Tổng thư ký LHQ về nhân quyền cho biết, con số nạn nhân đã bỏ mạng trong những cuộc xung đột bắt đầu diễn ra từ tháng Tư năm nay là 2.729 người, nhưng đã tăng lên hơn 3.000 người do tính cả 298 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines. Trên thực tế, số liệu có thể còn cao hơn nhiều.
MH17 bị rơi do một tên lửa bắn trúng trong khi đang bay qua vùng phía Đông Ukraine hôm 17/7. Washington và Kiev cáo buộc phiến quân được Nga hậu thuẫn đã bắn hạ máy bay dân sự bằng hệ thống tên lửa tiên tiến của mình do hiểu nhầm đó là một máy bay quân sự Ukraine. Nga và các phiến quân đã bác lời buộc tội trên.
Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga bất chấp một lệnh ngừng bắn đang có nguy cơ bị phá bỏ ở Ukraine, Ủy ban châu Âu cho biết hôm Thứ Hai.
“Chương trình dự kiến sẽ chính thức được các nước thành viên thực hiện thông qua một thủ tục bằng văn bản ngay trong hôm nay”, phát ngôn viên Pia Ahrenkilde-Hansen nói với các phóng viên.
Chi tiết về các cấm vận kinh tế mới , kể cả đối với công ty dầu Rosneft và các đơn vị của nhà sản xuất khí đốt Gazprom, sẽ được công bố trễ nhất vào ngày thứ Ba (9/9).
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (8/9) Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev cho biết, Moscow sẽ đáp trả những biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đối với vấn đề liên quan tới Ukraine, có thể bằng cách ngăn chặn các chuyến bay trên toàn nước Nga, nếu Mỹ và EU tiếp tục “hứng thú với việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế”.
Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện giữa lực lượng chính phủ Ukraine và quân nổi dậy vẫn duy trì vào Thứ Hai (8/9), mặc dù Kiev cáo buộc phiến quân lác đác vi phạm lệnh ngừng bắn trong đêm trước, đặc biệt là khu vực gần cảng chiến lược Mariupol.
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào tối thứ Sáu vừa qua là một phần của tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt xung đột kéo dài suốt 5 tháng, gây ra cuộc đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời chiến tranh lạnh.
“Nhìn chung, lệnh ngừng bắn đã được thực thi mặc dù vẫn còn chưa đảm bảo sẽ bền lâu, diễn biến trong những ngày tiếp mới là quan trọng”, Thomas Greminger, chủ tịch lâm thời của OSCE cho biết thêm. Hiện OSCE có khoảng 250 quan sát viên tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã đến thăm Mariupol hôm thứ Hai để nhấn mạnh rằng, Kiev dường như không sẵn sàng buông bỏ những vùng mà họ quản lý ở khu vực phía đông. Mariupol là một thành phố cảng trên biển Azov gần biên giới với Nga, có vai trò rất quan trọng trong việc xuất khẩu thép của Ukraine. Trên tài khoản Twitter của Tổng thống Ukraine đã gửi một thông điệp với nội dung tuyên bố, thành phố này “thuộc về Ukraine”.
Khu vực phía đông Mariupol là nơi xảy ra giao tranh ác liệt trước khi thỏa thuận ngừng bắn được ban bố và đây cũng là khu vực xảy ra sự vi phạm ngừng bắn nghiêm trọng nhất diễn ra vào tối thứ Bảy qua. Trong cuộc tấn công đó, 1 người phụ nữ đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương.
Trung tâm báo chí của quân đội Ukraine đã liệt kê 5 hành động vi phạm hiệp định ngừng bắn xảy ra trong đêm từ cuối tuần trước cho đến hôm thứ Hai. Trong khi đó, phía ly khai cáo buộc các lực lượng chính phủ chuẩn bị tấn công một thị trấn gần nơi đóng quân của phiến quân ở thành phố Donetsk, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp của vùng.
Cả quân nổi dậy và quân đội Ukraine khẳng định họ đang quan sát chặt chẽ việc ngừng bắn và sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành vi vi phạm nào.
Hồ Duyên@Tinhhoa.net – Theo Theguardian.com