Là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Phó Tổng Cục trưởng Dân số cho biết, đến năm 2050, Việt Nam sẽ từ nước có độ tuổi lao động trẻ thành quốc gia siêu già với tỷ lệ người già khoảng 31%.
Ngày 12/12, tại hội thảo Già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi, Phó Tổng Cục trưởng Dân số Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: “Việt Nam sẽ là quốc gia dân số siêu già vào năm 2050”.
Tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới
Theo bà Lan, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ 7% người hơn 65 tuổi. Tám năm sau, năm 2019 số người hơn 65 tuổi đã chiếm 8,3% dân số.
Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Ví dụ: Pháp 115 năm, Australia 73 năm, Trung Quốc 26 năm; còn Việt Nam chỉ khoảng 17-20 năm.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, dự kiến đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp hơn 2 lần hiện nay.
Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số. Điều này có nghĩa là, năm 2050, cứ 3 người trong độ tuổi lao động, lại có 1 người cao tuổi.
70% người cao tuổi có ít nhất hai bệnh
Dân số già nhanh khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cũng như vấn đề an sinh xã hội dành cho người cao tuổi trong thời gian tới.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, 70% người cao tuổi có ít nhất hai bệnh. 14% người cao tuổi gặp khó khăn trong các hoạt động sống hàng ngày và cần hỗ trợ.
Số người cao tuổi gặp ít nhất một loại khó khăn trong sinh hoạt hành ngày tăng từ 28% ở người 60 – 69 tuổi lên hơn 50% ở người 80. Gần 50% người cao tuổi không có thẻ bảo hiểm y tế. BHYT cũng chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của những người này.
Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.
Chất lượng chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế
Dự báo năm 2019, 4 triệu người cao tuổi có nhu cầu, và năm 2049 khoảng 10 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ. Trong khi đó, hệ thống cán bộ hướng dẫn phục hồi chức năng lại hạn chế về trình độ. Chỉ có 2% người chăm sóc được đào tạo cơ bản.
“Chất lượng chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Thời gian chăm sóc phục hồi thường từ một tuần đến một tháng do thiếu giường tại các bệnh viện và chi phí chăm sóc phục hồi chức năng tốn kém.
Cán bộ, người hướng dẫn phục hồi chức năng hạn chế về trình độ. Cả nước có 1.063 bệnh viện công và 170 bệnh viện tư nhưng số giường dành cho người cao tuổi thiếu do ngày càng gia tăng bệnh mạn tính” , Tiến sĩ Quỳnh cho hay.
Thực tế hiện nay, số hộ gia đình ngày càng nhỏ, số lượng gia đình 3-4 thế hệ giảm dần. Xu hướng thanh niên nông thôn di cư ra đô thị mạnh mẽ dẫn tới tình trạng già hóa dân số nông thôn. Gần 30% người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ, chồng cũng là người cao tuổi hoặc cháu dưới 10 tuổi.
Cần cải cách chế độ hưu trí hiện hành
Theo các chuyên gia, biện pháp để nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi là cần cải cách chế độ hưu trí hiện hành, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm cho người cao tuổi, mở rộng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi dễ bị tổn thương hướng tới một hệ thống toàn cầu, tập trung đặc biệt vào người cao tuổi sinh sống ở khu vực nông thôn, phụ nữ cao tuổi.
Cùng với đó, tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi nhằm chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ tài chính.
Mới đây, Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam 2030, trong đó có duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 11%.
Vũ Tuấn (t/h)