Cho đến hiện tại, Liên Hiệp Quốc ước tính Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang giam giữ gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây của Phong trào Thức tỉnh Quốc gia Đông Turkistan, con số thực tế có thể lên tới hơn 3 triệu.
Lộ diện hàng loạt cơ sở mới nghi là trại giam người Duy Ngô Nhĩ
Phong trào Thức tỉnh Quốc gia Đông Turkistan (The East Turkistan National Awakening Movement – ETNAM) là một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ, hoạt động vì sự độc lập cho Tân Cương.
Ngày 12/11, tổ chức này đã công bố một loạt bản đồ xác định gần 182 trại tập trung ở Tân Cương có thể là nơi giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Thêm vào đó, họ còn sử dụng hình ảnh trên Google Earth và phát hiện khoảng 209 nhà tù và 74 trại lao động khác. Tổng cộng có đến 465 vị trí trên bản đồ bị nghi là nơi giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.
Theo ông Kyle Olbert, giám đốc tổ chức ETNAM, ít nhất 72 cơ sở trong số này chưa được báo cáo trước đây, điều đó cho thấy số người đang bị giam giữ trên thực tế có thể lên đến hơn 3 triệu người.
“Phần lớn những cơ sở này chưa được xác định trước đây, vì vậy có thể nói lượng người bị giam còn lớn hơn nhiều so với số người ước tính… Nếu đúng thế, chúng tôi lo ngại rằng có thể còn nhiều cơ sở mà chúng ta không thể xác định được”, ông Olbert cho biết.
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Anders Corr, người từng làm cố vấn cho ETNAM trong quá trình nghiên cứu, thì tin rằng có tới 40% các trại giam chưa được các cơ quan quốc tế xác định trước đây.
Trước đó vào tháng 5/2019, Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Châu Á cũng đưa ra ước tính có ít nhất 1 triệu người nhưng có khả năng đã lên tới 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ ở Tân Cương.
Hôm 26/11 vừa qua, tờ New York Times đã nhận được hơn 400 trang tài liệu mật bị rò rỉ của chính quyền Trung Quốc, mở ra một cái nhìn chưa từng thấy về chiến dịch đàn áp ở Tân Cương.
Theo New York Times, có lẽ thông tin gây ớn lạnh nhất là bản ghi lại một bài phát biểu bí mật của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông muốn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ một cách không thương tiếc. “Các phương tiện mà các đồng chí chúng ta có trong tay quá thô sơ… Không có cái nào xứng để gọi là đao to, búa lớn hay vũ khí sắt lạnh. Chúng ta phải khắc nghiệt với chúng… và không được nương tay”, ông Tập nói.
Cuộc đàn áp Tân Cương và mối quan hệ Trung-Mỹ
Hạ viện Mỹ hôm thứ Ba (3/12) đã bỏ phiếu thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019. Dự luật này yêu cầu tổng thống Mỹ lên án Trung Quốc lạm dụng nhân quyền người Hồi giáo và kêu gọi đóng cửa các trại giam giữ hàng loạt tại Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc.
Theo Reuters, dự luật còn kêu gọi chính quyền Trump chế tài các quan chức cấp cao Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm về vấn đề Tân Cương, đặc biệt nêu đích danh ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) – Bí thư Tân Cương và cũng là thành viên Bộ Chính trị ĐCSTQ
Trung Quốc hôm thứ Tư (4/12) đã lên tiếng cực lực phản đối việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Tân Cương. Thay mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh tuyên bố Tân Cương là công việc nội bộ của Trung Quốc và thúc giục Mỹ hãy sửa sai và không để dự luật này trở thành luật chính thức.
Video: Bí mật trại ‘tẩy não’ của Trung Quốc
Trước đó, tại cuộc họp Liên Hợp Quốc ngày 29/10, Mỹ cùng với 22 quốc gia khác lên tiếng đã chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và khẳng định Tân Cương là vấn đề nội bộ.
Đại sứ Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc, Trương Quân, sau đó cũng lên tiếng cảnh báo Mỹ việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc có thể làm hỏng các cuộc đàm phán thương mại.
“Thật khó để tưởng tượng một mặt các ông đang cố gắng tìm cách để có một thỏa thuận thương mại, mặt khác lại đang tận dụng mọi vấn đề, đặc biệt là vấn đề nhân quyền, để khiển trách người khác… Tôi không nghĩ điều đó có ích gì cho việc đưa ra một giải pháp tốt đối với vấn đề đàm phán thương mại,” Tờ Guardian dẫn lời trong một bài phát biểu của Ông Trương.
Tiểu Phúc (t/h)