3 kẻ địch lớn nhất của nhân sinh, có thể hủy hoại một người trong chốc lát
Cuộc sống không có lối đi tắt, thành công không có bí quyết, chỉ có thực sự hoàn thành tốt mỗi công việc mới đem lại cuộc sống tốt đẹp. Muốn tất cả đều trở nên có ý nghĩa, cần phải nhìn rõ ba kẻ địch lớn đời người.
Thất bại vì xa hoa
Người xưa nói: “Kiệm, đức chi cộng dã; xỉ, ác chi đại dã”, ý rằng tiết kiệm và đức đi cùng nhau; lãng phí và làm điều ác, tác hại đều lớn cả. Nhìn lại các vị tiền nhân trong lịch sử, đều thành nhờ cần kiệm, bại do xa xỉ.
Cần kiệm là mỹ đức truyền thống của dân tộc. Từ đơn vị nhỏ là một người, một gia đình, nhìn rộng ra là một quốc gia, cả một nhân loại, muốn sinh sống, phát triển, đều không thể rời khỏi hai chữ “cần kiệm”.
Con người nhất định không thể để cho những phồn hoa ngắn ngủi mà mê mờ hai mắt, càng không thể vì xa hoa lãng phí trong cuộc sống mà khiến cho tâm trí mất đi phương hướng, lãng phí quá độ cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại.
Gia Cát Lượng trong “Giới tử thư” có viết: “Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức”. Ở Hong Kong có vị thương gia giàu có tên Lý Gia Thành cũng là một tấm gương tốt về cần kiệm.
Trong giáo dục gia đình, ông yêu cầu hai con khi ra đường phải đi xe công cộng, còn nói với con: “Trên xe công cộng, các con có thể gặp được người ở đủ mọi tầng lớp trong xã hội, có thể thấy được người bình thường phổ thông nhất sinh sống ra sao trong xã hội, điều này đối với các con chính là thể nghiệm thực sự”.
Vì thế, hai anh em này từ nhỏ đã chăm chỉ học hành, làm việc, đem số tiền kiếm được giúp đỡ những học sinh khó khăn, không hề bị nhiễm thói xa hoa của trẻ nhà giàu. Còn Lý Gia Thành càng nghiêm túc kỷ luật với bản thân, cũng đi xe công cộng như các con. Một bộ âu phục mặc mười năm, cùng ngồi ăn bữa cơm với nhân viên.
Câu khẩu hiệu “Xe đến trước núi ắt có đường, có đường thì sẽ có Toyota” là của công ty Toyota, nơi mà việc quản lý cũng bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, găng tay lao động bị rách một chiếc thì chỉ thay một chiếc, giấy văn phòng dùng một mặt còn để dành dùng mặt sau. Công ty đa quốc gia nổi tiếng thế giới lại có ý thức tiết kiệm mạnh mẽ đến thế, thật khiến người ta khen ngợi.
Con người thất bại vì lười biếng
Khang Hy từng dạy con cái: “Thánh nhân lấy lao động làm phúc, xem an nhàn là họa”. Thất bại không đáng sợ mà lười biếng mới đáng sợ, một khi trở nên lười nhác, mọi việc đều hỏng cả.
Nếu lười nhác lúc học hành thì thành tích đương nhiên không thể tốt. Nếu lười biếng trong công việc, sự nghiệp tự nhiên không tốt. Cho dù bạn có kế thừa gia tài lớn, nếu như bạn là một người lười nhác, cũng sẽ nhanh chóng khiến toàn bộ gia sản ‘bốc hơi’.
Hai con ngựa kéo hai chiếc xe lớn. Chiếc xe phía trước chạy thật nhanh, chiếc xe đằng sau vừa chạy vừa nghỉ. Thế là người ta đem hàng hóa của xe phía sau để lên xe phía trước. Đợi đến khi đồ đạc ở sau xe được dọn sạch, con ngựa ở đằng sau mới nhẹ bước nhanh lên, đồng thời nói với con ngựa phía trước: “Ngươi vất vả rồi, chảy cả mồ hôi, ngươi càng cố gắng làm việc, người ta sẽ càng đày đọa ngươi”.
Lúc đến nơi, chủ nhân nói: “Nếu chỉ dùng một con ngựa kéo xe, vậy ta nuôi hai con để làm gì? Chi bằng nuôi một con thật tốt, con kia đem làm thịt, cũng còn có được một bộ da”. Thế là con ngựa lười biếng kia đánh mất đi sinh mệnh, trong nhà người chủ kia thì treo lên một miếng da ngựa.
Đã từng có người hỏi một vị đại sư ở trong chùa: “Vì sao lúc niệm Phật phải gõ cá gỗ?” Đại sư nói: “Nói là gõ cá gỗ, kỳ thực là gõ người”.
“Vì sau không gõ gà, gõ dê, mà phải gõ cá?” Đại sư cười nói: “Cá là loài động vật cần cù và nhanh chóng, suốt ngày mở to đôi mắt, bơi lội bốn phương. Cá siêng năng như thế mà lúc nào cũng gõ nhắc, huống chi là người lười biếng cơ chứ!”
Bởi vì lười nhác mà rất nhiều người có cuộc sống bình thường, chẳng lưu lại gì. Đa số những người có thành tựu đều là người chăm chỉ. Con người muốn chăm chỉ thì phải không ngừng thúc giục chính mình, cố gắng vượt qua tật lười nhác. Cần cù có thể tạo nên một vĩ nhân, đồng thời cũng giúp chúng ta trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Cổ ngữ nói: “Lưu thủy bất hủ, hộ xu bất đố”, ý rằng nước chảy thì không bị thối rữa, trụ cửa thường chuyển động thì không bị mối mọt. Lười biếng giống như một bệnh dịch đáng sợ, chầm chậm thay đổi vận mệnh của con người, nuốt lấy cuộc sống của con người.
Thật ra rất nhiều người biết rõ sự nguy hại của lười biếng, nhưng vẫn cứ hồ đồ được chăng hay chớ, khi các chương trình truyền hình hiện nay thay đổi quá nhanh, họ chỉ lo bàn chuyện phiếm sau bữa cơm, tiệc trà hoặc trò chuyện phiếm trên mạng, đối với sự đời vô thường thì than vãn, đối với vinh dự của người khác thì ngấm ngầm ghen tỵ, bị sự lười biếng đầu độc mất rồi.
Thất bại vì kiêu ngạo
Vương Dương Minh từng nói: “Ngàn tội trăm ác, đều từ ngạo đi lên”. Trong cả đời, con người không thể không cứng cỏi, nhưng không được kiêu căng.
Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ tự nhận mình xuất thân quý tộc, anh hùng cái thế, sức mạnh nhổ núi sông, có được trăm vạn hùng binh, không xem Lưu Bang có xuất thân bình thường ra gì. Nhưng Lưu Bang thiện đãi Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà, từ thế yếu chuyển thành thế mạnh. Rốt cuộc, kết quả là Hạng Vũ thảm bại.
Một trong những nhân vật chính của thời Chiến Quốc, trong câu chuyện Tôn – Bàng đấu trí, Bàng Quyên từng là tướng quân của nước Ngụy, bởi vì ghen với hiền tài, hãm hại đồng môn Tôn Tẫn khiến Tôn Tẫn trốn về nước Tề. Nguyên nhân thất bại của Bàng Quyên là vì ông tự cao tự đại, tuy rằng tài năng quân sự của ông không tệ, nhưng ông không biết giấu kín tài năng của mình.
Theo lịch sử ghi lại, Bàng Quyên rất vui mừng khi lập công, có một chút công lao nhỏ nhoi cũng thổi phồng lên tận trời cao. Vì thế, ông ở tại nước Ngụy bị rất nhiều người bài xích, nếu không phải Bàng Quyên có chút tài năng, đoán chừng sớm đã bị Ngụy vương giết mất. Cũng là bởi vì ông tự cao tự đại, mới khiến cho Tôn Tẫn có cơ hội thừa dịp nắm bắt được khuyết điểm này, cuối cùng Bàng Quyên thất bại ở chính điểm yếu này của mình.
Một người không biết giấu kín tài năng của mình, đó chính là ngạo mạn; một người không ý thức được chính mình ỷ vào tài năng mà trở nên kiêu căng, đó lại là ngu xuẩn. Tự thổi phồng bản thân, cuối cùng chỉ khiến phẩm chất đạo đức càng ngày càng suy bại.
Có tài mà không kiêu, chính là phẩm chất; không có tài nhưng nỗ lực, chính là có đức, và khi bạn đặt tư thái điệu bộ ở vị trí thấp nhất, tuy rằng phúc chưa đến nhưng họa thì đã tránh xa.
Có thể khiêm tốn tiếp nhận ý kiến của người khác, thỉnh giáo người khác, mới có thể tiếp thu ý kiến rộng rãi, khiến bản thân thêm tinh tấn. Một người kiêu ngạo tự cao tự đại, kết quả cuối cùng đều tự hủy hoại bản thân trong sự kiêu căng đó.
Liên Hoa (Theo Sound of Hope)